Để học sinh nghèo đều có sách giáo khoa

Thời gian đăng: 8/25/2022 9:06:28 AM

ĐBP - Năm học mới đang cận kề, vấn đề sách giáo khoa (SGK) cho học sinh, nhất là đối với các khối/lớp năm đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 càng được phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cả xã hội quan tâm. Câu chuyện về SGK mới không chỉ “nóng” lên gần đây - trước thềm năm học mới 2022 - 2023 này, mà 2 năm qua, vấn đề SGK đã tiêu tốn nhiều giấy mực của các cơ quan chức năng, của báo chí, truyền thông; được đưa ra tranh luận tại nhiều diễn đàn khác nhau. SGK mới cũng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội gần đây, với những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, nhiều chiều về: giá sách, loại sách, cách thức, hình thức in ấn; những bất cập khi triển khai SGK mới...

Khảo sát cho thấy, phần lớn phụ huynh, giáo viên vùng cao như Điện Biên đặc biệt quan tâm, mong muốn đó là làm sao SGK đến được với tất cả học sinh nghèo. Với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,54%; còn nhiều lắm các gia đình “ăn bữa hôm lo bữa mai” thì mua cho con bộ SGK mới khoảng vài ba trăm nghìn đồng là khoản tiền không hề nhỏ. Nghịch lý ở chỗ, phần lớn các hộ nghèo thì thường đông con, đang trong tuổi ăn tuổi học, do vậy áp lực sách vở, quần áo, các khoản đóng góp đầu năm học càng làm cho phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

Hiện tại, giá sách giáo khoa, dụng cụ học tập đã tăng hơn năm học trước từ 10 - 12%. Mặc dù vậy, nhưng các bậc phụ huynh không còn cách nào khác là “tặc lưỡi”, chấp nhận “rút hầu bao” để mua sách vở cho con em kịp tựu trường. Kinh tế vốn đã khó khăn do dịch bệnh Covid-19 chưa kịp phục hồi, nay thêm “lạm phát” giá cả các mặt hàng “ăn theo” xăng dầu; giá SGK mới tăng… đã làm cho không ít gia đình nghèo vốn dĩ khó khăn nay càng vất vả bội phần.

Có ý kiến cho rằng, SGK mới in trên chất liệu giấy tốt, đẹp, dày, khổ to, màu sắc sặc sở, bắt mắt… nên giá bán phải cao hơn mới đảm bảo chi phí đầu vào. Điều đó không sai, nhưng đại bộ phận lại cho rằng, với SGK, quan trọng nhất là chất lượng của các bài học có phù hợp với học sinh từng khối/lớp; có được sử dụng nhiều lần, năm này qua năm khác, anh truyền lại cho em, lớp trước tặng lại cho lớp sau… hay không, để tránh lãng phí. Còn in đẹp, khổ to, giấy tốt… mà dùng xong năm nào bỏ năm đó thì chưa thực sự cần thiết, nhất là với học sinh con em hộ nghèo như Điện Biên, lãng phí nguồn lực của xã hội.

Giải pháp hữu hiệu nhất để mỗi học sinh nghèo đều có SGK học tập là cần phát động chương trình tặng sách, giảm giá bán, học sinh được sử dụng SGK điện tử, phụ huynh được in SGK (bản word), có thể sử dụng nhiều năm với chi phí rẻ... Mặt khác, cần làm tốt công tác truyền thông để người dân, nhất là các bậc phụ huynh, học sinh biết SGK nào là bắt buộc phải có để sử dụng khi lên lớp, loại nào là sách tham khảo, không bắt buộc mua.

Thực tế hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng sách, văn phòng phẩm… sách giáo khoa, sách tham khảo bán tràn lan, phụ huynh, học sinh không biết được loại sách nào là bắt buộc, sách nào không bắt buộc, gây tốn kém tiền của, thêm gánh nặng kinh tế lên nhiều gia đình nghèo.

Bên cạnh đó, để “gỡ khó SGK” cho học sinh nghèo, cần triển khai mô hình thư viện SGK tại các huyện, xã, nhất là vùng núi cao, biên giới còn nhiều khó khăn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho các nhà trường; mua sách cho học sinh mồ côi, con hộ nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh các xã vùng 3; đồng thời kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng SGK cho các thư viện; học sinh khóa trước học xong tặng lại SGK cho học sinh khóa sau. Cách làm này sẽ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học; SGK cũng được dùng nhiều lần, tránh lãng phí cho xã hội.

Hiện tại, đang có nhiều giải pháp, cách làm khác nhau để học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc miền núi có đủ SGK học tập. Tuy nhiên, với đa số người dân, nhất là bà con vùng nông thôn, miền núi như Điện Biên thì để SGK có thể sử dụng được nhiều lần, vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là SGK đó phải ổn định, không có “sạn”. Phụ huynh, giáo viên và mỗi người dân cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyên các em, các cháu hạn chế viết, vẽ, tô… trực tiếp lên SGK, để hết năm học thì tặng lại cho nhà trường, các em học lớp sau đang cần sách. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nhất quán quan điểm là với SGK thì không in phần đáp án bài tập vào sách. Vì như vậy thì rất nhiều học sinh sẽ viết, tô, vẽ… lên SGK, khi đó, nếu có tặng lại cho lớp sau cũng không sử dụng được.

Tùng Lĩnh

Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/

  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang