ĐẶC SẮC TẾT TÉ NƯỚC (BUN HUỘT NẶM) CỦA NGƯỜI LÀO, XÃ MƯỜNG LUÂN, HUYỆN ĐIỆN BIÊN ĐÔNG
Trong 2 ngày 11 – 12/4, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông đã tổ chức Tết té nước “Bun Huột Nặm” của dân tộc Lào. Lễ hội năm nay được khôi phục với đầy đủ nghi thức cùng nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Đông đã từng được tổ chức hàng năm, đến khoảng những năm 1975, 1976, do tác động của chiến tranh, dịch chuyển, nên hai bức tượng Phật dưới chân tháp Mường Luân bị mất. Kể từ đó, Tết Bun Huột Nặm ở Mường Luân mất đi nghi thức quan trọng nhất và dần mai một.Năm nay, UBND xã Mường Luân đã nỗ lực khôi phục lại lễ hội này.
Tết té nước (Bun Huột Nặm) được tổ chức trong 2 ngày, với phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mở đầu chính là nghi lễ tắm Phật, bà con dân bản sẽ rước tượng phật xuống dòng sông Mã, thực hiện các thao tác tắm rửa cho tượng bằng nước thơm. Sau khi tượng Phật đã được tắm rửa sạch sẽ và rước về đặt tại vị trí linh thiêng, người Lào thực hiện lễ cúng thể hiện sự biết ơn thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn. Tại lễ cúng, Già làng chủ trì nghi lễ thay mặt cả bản mời gọi các vị thần linh cai quản bản mường, những người là thế hệ đầu tiên có công khai mường, lập bản về vui lễ tết cùng con cháu.
Tham gia lễ hội, nhân dân và du khách được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ với các tiết mục đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc Lào với sự tham gia của các đội văn nghệ quần chúng đến từ các thôn, bản trên địa bàn xã Mường Luân;cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian, những vòng xòe đoàn kết, những điệu múa lăm vông uyển chuyển được diễn ra ngay tại sân chân tháp cổ Mường Luân. Điểm nhấn của lễ hội chính là nghi thức té nước và buộc chỉ cổ tay cầu may. Tất cả người dân và du khách đều được thực hiện nghi thức này nhằm cầu bình an và may mắn. Theo quan niệm của người Lào, té nước càng nhiều thì càng mang lại nhiều may mắn, xua tan điều xui xẻo của năm cũ và đón năm mới bình an, hạnh phúc. Tết té nước thể hiện tập tục, tín ngưỡng, sự thành kính, biết ơn với người khai phá thành lập bản, thần linh và tổ tiên. Đến với lễ hội, du khách còn có cơ hội tham quan và trải nghiệm những nét văn hóa khác như trang phục, ẩm thực của dân tộc Lào tại đây.
Ở huyện Điện Biên Đông, dân tộc Lào chủ yếu sinh sống ở các bản ven sông suối, như Mường Luân, Pú Hồng, Chiềng Sơ, Tìa Dình. Dân số không đông nhưng trong đời sống văn hóa tinh thần có nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng mang nét đặc trưng của dân tộc Lào Tây Bắc. Từ đời xa xưa, người Lào coi trọng nước, nước là nhu cầu sống thiết yếu của con người và vạn vật. Từ ý nguyện ấy, bà con dân tộc Lào đã nương tựa vào “phà”, “đin” (nghĩa là trời - đất) để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, vạn vật tốt tươi. Đây là nguồn gốc hình thành, lưu truyền tục cầu mưa của dân tộc Lào và được gọi là Lễ hội Bun Huột Nặm hay Lễ hội té nước. Do vậy, việc khôi phục lại Lễ hội Tết té nước “Bun huột nặm” giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào nơi đây. Thông qua Lễ hội cũng góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân tộc Lào nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung. Góp phần quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc- thúc đẩy phát triển Du lịch, kinh tế - xã hội tại điạ phương.
Là năm đầu tiên tổ chức khôi phục lại lễ hội, trong 2 ngày tổ chức, tết té nước (Bun Huột Nặm) của xã Mường Luân đã thu hút rất đông du khách trong huyện và trong tỉnh đến tham dự. Lễ hội cũng là dịp các gia đình quây quần gặp mặt nhau sau thời gian lao động vất vả, tăng cường khối đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc. Bà con dân bản, du khách cùng nhau giao lưu, thể hiện qua những trò chơi dân gian, những điệu dân vũ truyền thống và té nước cầu may./.
Nguồn tin: Lan Anh, Điện Biên Đông