“Núp bóng” giới thiệu hàng Việt để lừa đảo?

Thời gian đăng: 11/07/2019 10:08:02 AM

ĐBP - Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng “núp bóng” chương trình giới thiệu quảng bá hàng Việt kinh doanh các sản phẩm đồ gia dụng không đảm bảo chất lượng, gây không ít bức xúc cho người dân. Với chiêu trò mời mọc, tặng quà bằng những sản phẩm có giá trị thấp, cùng những lời “có cánh” về sản phẩm để tạo dựng niềm tin cho người dân. Sau khi thấy “cá” đã say “mồi”, mới bung lưới làm một mẻ lớn rồi nhanh chóng rời khỏi địa bàn, để lại đống hàng hóa chất lượng không như quảng cáo, thậm chí nhãn hàng không tìm thấy trên thị trường. Cũng với chiêu thức tương tự, vụ việc diễn ra tại huyện Tuần Giáo vừa qua một lần nữa khiến chúng tôi phải đặt không ít câu hỏi…

Kỳ 1: Ðỉnh cao marketing

Trong một chuyến công tác về bản Cộng 2, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo), chúng tôi được nghe kể về một vụ mua bán “nóng hổi” vừa diễn ra, khiến nhiều hộ dân nghèo phải “ngậm đắng nuốt cay”. Bằng những chiêu thức marketing “đỉnh cao”, đánh trúng tâm lý ham hàng rẻ, ham đồ khuyến mại, chương trình “bán hàng không lợi nhuận”, một nhóm đối tượng đã dễ dàng khiến những người dân miền núi nhẹ dạ, cả tin “rút hầu bao” mua về những sản phẩm chất lượng không tương xứng với số tiền bỏ ra. Ðiều khiến những người nông dân “chân lấm tay bùn” bức xúc hơn cả, đó là chiêu trò mà các đối tượng này sử dụng có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng chỉ đến khi các đối tượng đã “cao chạy xa bay” thì họ mới ngờ ngợ nhận ra là mình đã bị lừa…

Những món hàng gia dụng người dân bản Cộng 2, xã Chiềng Ðông, (huyện Tuần Giáo) mua từ Công ty KYOTO sau

khi được công ty giới thiệu và bán tại bản. Ảnh: Tiếu Sinh

Một chiều cuối tháng 6, thay vì ra đồng tỉa giặm cho kịp thời vụ như thường nhật, những phụ nữ bản Cộng 2, xã Chiềng Ðông lại ngồi với nhau bàn tán xôn xao về sự việc mới diễn ra hồi sáng… Chuyện là mới chỉ cách đó vài hôm, họ nhận được giấy mời từ trưởng bản về một chương trình giới thiệu sản phẩm của công ty có tên KYOTO, kèm theo thông báo: “Mỗi người đến dự sẽ được tặng một bộ bát, đũa trị giá 180.000 đồng”. Ðúng lịch trong giấy mời, tối 23/6, khá đông bà con vì tò mò đã kéo nhau đến. Một nhóm người gồm 3 nam, 1 nữ, đi trên chiếc ô tô tải biển kiểm soát 18D - xxxxx và tự giới thiệu là người của Công ty KYOTO có mặt từ sớm. Khi bà con đông đủ, họ bắt đầu quảng cáo, giới thiệu rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ dao, chảo, bóng đèn cho đến thuốc xịt côn trùng… với giá thành từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Mỗi người có nhu cầu mua, sẽ được phát 1 tấm thẻ và yêu cầu đặt cọc 100 nghìn đồng/1 sản phẩm. Tất cả số tiền đặt cọc, đều được nhóm người này hoàn trả lại vào cuối buổi, với lý do “Công ty đang triển khai chương trình khuyến mại nên chỉ tặng quà”, kèm theo đó là lời hứa hẹn: “Ngày mai sẽ có nhiều sản phẩm khuyến mại hấp dẫn hơn nữa”. Lời nói như mật ngọt, ngay lập tức không chỉ thu hút đông đảo sự quan tâm của bà con có mặt, mà còn được “truyền tai” tới nhiều gia đình khác. Vừa được quà, lại vừa mua được sản phẩm không mất tiền, người dân ai nấy đều hoan hỉ cho buổi gặp mặt sáng hôm sau…

7 giờ sáng ngày 24/6, nhóm 4 người trên tiếp tục có mặt tại nhà trưởng bản, và không mấy ngạc nhiên khi người dân đến đông hơn tối hôm trước. Trong cuộc gặp gỡ này, họ đã giới thiệu, chào mời nhiều sản phẩm giá trị cao hơn, như: Nồi áp suất điện, bếp ga, máy xay sinh tố… nhưng bán với giá chạy chương trình khuyến mãi… cực sốc. Khi mua một nồi áp suất điện trị giá 2.550.000 đồng (giá đã khuyến mại) sẽ được tặng một bộ bếp ga có giá trị tương đương và ngược lại. Thấy mua 1 được 2, lại “thấm” lời đường mật rót vào tai suốt từ tối qua nên người dân chẳng hề lăn tăn, ồ ạt xuống tiền mua sản phẩm. Nhiều người không biết vì quá ngây ngô, thật thà, hay bị chuốc “bùa mê thuốc lú” như họ lý giải, mà đi vay đến vài triệu đồng để mua sản phẩm và chờ đợi sẽ được trả lại tiền “như tối hôm qua”. Chỉ cho đến khi nhóm nam nữ lên xe rời khỏi bản mà chẳng buồn nói lời chào, người dân mới lờ mờ nhận ra điều bất thường trong vụ mua bán bạc triệu mình vừa tham gia.

 Nhiều người dân bản Cộng 2 thẫn thờ, buồn bã vì tiếc số tiền bỏ ra.

Có lẽ, bức xúc nhất trong vụ việc này là anh trưởng bản. Bởi anh là người viết giấy mời và trực tiếp đến từng nhà huy động bà con tham gia hội nghị. Ngồi bên đống đồ mà mình vừa bỏ ra ngót nghét gần chục triệu đồng để mua về, anh Tòng Văn Huyên, Trưởng bản Cộng 2 trải lòng: “Lúc đầu chỉ có một nam thanh niên đi xe máy tới, nói là nhờ tôi huy động bà con đến tham gia chương trình giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và việc này đã được sự nhất trí của ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã rồi. Thấy vậy, tôi mới tin tưởng đồng ý và nhận giấy mời từ anh này để phát cho bà con đến dự chương trình của họ. Họ quảng cáo hay lắm, bảo đến chỉ được quà thôi chứ không mất tiền, rồi thì công ty đang chạy chương trình khuyến mại nên mới có giá đó, hàng thì toàn là hàng Việt Nam chất lượng cao của 21 công ty trên toàn quốc. Nghe đều có lợi cho bà con cả nên ai mà không tin. Ngay đến gia đình tôi cũng sắm cả một bộ bếp ga, một nồi áp suất, rồi dao, chảo, thuốc… Hôm ấy cũng phải đến 20 hộ mua, người ít thì hơn 2 triệu, có người cả chục triệu. Tính sơ sơ buổi hôm đó họ thu không dưới 50 - 60 triệu đồng”.

Cũng theo anh Huyên cho biết, ngay khi nhóm người này vội vàng rời khỏi địa bàn, nhiều người dân mới sinh nghi, tìm hiểu thì thấy mức giá mà mình trả quá cao cho một sản phẩm, thậm chí là chia đều cho các sản phẩm được khuyến mại thêm cũng cao hơn so với mặt bằng chung của nhiều sản phẩm tương tự. “Tiếc tiền, với lại còn uy tín của tôi với bà con nữa, nên tôi đã cố gắng tìm mọi cách liên hệ với họ theo 2 số điện thoại của công ty in trên giấy mời, song đều thuê bao không liên lạc được, hoặc không bắt máy” - anh Huyên than thở.

Trong số đám đông bàn tán sôi nổi, chúng tôi chú ý đến một phụ nữ khá kiệm lời, ngồi lặng lẽ với gương mặt thẫn thờ. Hỏi ra mới biết, chị là Lò Thị Lượng, 1 trong hơn 40 hộ nghèo của bản Cộng 2, nhưng ngày hôm đó dám bỏ ra tiền triệu để mua sản phẩm của nhóm người trên. Khi được chúng tôi hỏi thăm, như có thứ gì đó nghẹn ứ trong cổ họng, chị Lượng ngậm ngùi: “Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại bỏ ra hơn 5 triệu đồng để mua những 2 bộ sản phẩm ấy. Mà lúc đó có tiền đâu, tôi phải chạy đi ứng tiền công của chồng đang làm thuê cho người ta, rồi làm trừ dần sau. Bây giờ tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa, chỉ muốn trả lại đồ, lấy lại tiền mà tìm ai bây giờ?!”.

Rời bản Cộng 2 trong nhiều nỗi trăn trở, trên dọc quốc lộ 279, chúng tôi gặp những đám đông tụ tập bàn tán. Dừng xe tại một quán ven đường thuộc khu vực bản Vánh 2 (xã Chiềng Ðông), vẫn câu chuyện tương tự được bà con đưa ra tranh luận sôi nổi trong nhiều nỗi bức xúc. Từ những chia sẻ của người dân ở đây, thì chúng tôi nhận ra, chiêu thức bán hàng này không chỉ dừng lại ở 1 địa bàn và do 1 nhóm đối tượng triển khai mà còn nhiều nhóm khác, thực hiện tại nhiều địa phương khác.

Tạm gác lại câu chuyện về quy mô hoạt động của những đối tượng này, chúng tôi trở về trung tâm thị trấn Tuần Giáo để tìm câu trả lời cho giá thành sản phẩm mà các đối tượng này bán cho người dân. Trong vai người mua hàng, mang theo hình ảnh mẫu mã sản phẩm ở bản Cộng 2, chúng tôi tìm đến một số cửa hàng bán đồ gia dụng lớn, song đều nhận lại những cái lắc đầu. 100% chủ cửa hàng chúng tôi tìm đến đều cam đoan rằng trong suốt nhiều năm buôn bán đồ gia dụng họ chưa thấy nhãn hiệu sản phẩm này bao giờ và cũng chưa thấy ai hỏi mua những sản phẩm như thế. Khi chúng tôi tiết lộ giá sản phẩm là hơn 2,5 triệu đồng, thì nhiều chủ cửa hàng tỏ ra bất ngờ. Bởi trong số hàng chục mẫu mã sản phẩm có hình dáng, công năng tương tự mà họ đang bán thì đều không đến giá đó. Thậm chí, nhiều sản phẩm chất lượng, của những nhãn hàng có danh tiếng trên thị trường thì giá cũng chỉ dao động từ 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Biết rằng, nỗi bức xúc của những người dân là có cơ sở, song rõ ràng trong trường hợp này, không ai khác chính họ là người phải chịu trách nhiệm cho sự nhẹ dạ, cả tin của mình. Nhưng câu chuyện cũng khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Liệu họ có tiếp tay, hay cũng bị chính các đối tượng này “qua mặt”…?!

Kỳ 2: Cơ quan chức năng nói gì?

Hà Linh - Tiếu Sinh

Nguồn tin: (baodienbienphu.info.vn)

Các tin tức khác:
  • Thường trực Hội đồng nhân dân huyện tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 5 (09/06/2022 )
  • Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp trên địa bàn huyện năm 2022 (08/06/2022 )
  • Điện Biên Đông tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027. (07/06/2022 )
  • Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh giám sát tình hình, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri xã Luân Giói tại huyện Điện Biên Đông (06/06/2022 )
  • 9 gian hàng bị thiêu rụi thiệt hại gần 2 tỷ đồng (06/06/2022 )
  • Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên Đông phối hợp với Hội đoàn thể xã Luân Giói tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn tín dụng chính sách cho Ban quản lý Tổ Tiết kiệm& vay vốn (TK&VV) và Trưởng bản (06/06/2022 )
  • Hơn 3.800 thí sinh toàn tỉnh dự thi vào lớp 10 (03/06/2022 )
  • Khánh thành bàn giao điểm trường Háng Sua và tặng quà cho trẻ em xã Tìa Dình (02/06/2022 )
  • Điện Biên Đông tặng thưởng cho lực lượng Công an huyện có thành tích trong Chuyên án 522-D (02/06/2022 )
  • Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã Hội (NHCSXH) huyện Điện Biên Đông kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Phình Giàng (02/06/2022 )
  • Trang:
    1271-1280 of 2096<  ...  123  124  125  126  127  128  129  130  131  132  ...  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang