Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Thời gian đăng: 13/08/2024 09:04:04 AM

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tế đã và đang khẳng định bản chất cách mạng và khoa học, giá trị và sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng Việt Nam.

Cuối những năm 1980 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chủ nghĩa xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng và nhiều đảng cộng sản mất vai trò lãnh đạo xã hội, Đảng ta đã đề ra và kiên trì thực hiện những nguyên tắc đổi mới, trong đó có nguyên tắc không xa rời, từ bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Lịch sử gần 40 năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã minh chứng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, “đất nước ta chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thể và uy tín quốc tế như ngày nay” đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, khẳng định sự kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, với những bất đồng về tư tưởng chính trị, đặc biệt là hậu quả hơn 30 năm chiến tranh, hàng triệu người trốn ra nước ngoài và nhiều người trong số đó luôn mang trong mình sự thù hận, bôi nhọ, lên án chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kích động tư tưởng bỏ, tẩy chay nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản và đương nhiên không bao giờ thừa nhận những sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mặt của đất nước. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp hiện nay cùng với những yếu kém trong quản lý, những tiêu cực xã hội chưa được giải quyết, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… càng làm cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng vẫn đang diễn ra với những khó khăn và thách thức mới. Điều đó khẳng định nhiệm vụ quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng hiện nay là bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay.

Vì vậy, việc bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời chủ động đấu tranh bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

 Mỗi đảng viên, nhân dân hiểu đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 Vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng

 Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết khoa học về quy luật  phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người; về cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và nhân dân lao động chống lại mọi sự bất công, nô dịch, áp bức; về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự thống nhất toàn vẹn hữu cơ của ba bộ phận cấu thành không thể tách rời: triết học Mác-Lênin, kinh tế - chính trị học Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đảng ta, trong quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hôi và chủ nghĩa công sản".

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta giành thắng lợi”.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta xác định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin” làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, năm 1991, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng; thể hiện rõ quan điểm nhất quán về mặt tư tưởng, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, kể cả trong lúc thăng trầm hay trước những bước ngoặt của cuộc cách mạng Đảng ta luôn vững vàng, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn. Ngay trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, trước những khuynh hướng tư tưởng phức tạp, tiêu cực nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (lần 2 khoá VI) một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay xác định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc trong đổi mới:

- Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH làm mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, dân tộc ta.

- Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

- Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; không chấp nhận "đa nguyên, đa đảng".

- Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh của giai cấp công dân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng.

- Kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân”.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề chủ yếu của cách mạng vô sản thời kỳ chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, thời kỳ chủ nghĩa đến quốc và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Cũng do sự phát triển lý luận Mác – Lênin vào điều kiện giải phóng dân tộc của một nước thuộc địa nửa phong kiến, việc huy động sức mạnh toàn dân tộc trên hết, trước hết cho lợi ích dân tộc – giải phóng dân tộc mà có lúc Quốc tế Cộng sản chưa thật hiểu đúng Nguyễn Ái Quốc và sau này quan điểm tạp hợp sức mạnh của toàn dân, kể cả những giai cấp địa chủ yêu nước, cùng khát vọng giải phóng dân tộc, cách mạng mới giành được thắng lợi. Trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, năm 1924, Hồ Chí Minh cho rằng: “Dù sao cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời kỳ mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thức của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xôviết đảm nhiệm” và “Học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”.

Điều này cũng rất đúng với tư tưởng của Ăngghen trong cuốn Lời tựa viết cho Tuyên ngôn bản tiếng Anh xuất bản năm 1888 chỉ rõ: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ở cuối chương II.

Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại. Có lẽ là trong một lần xuất bản, sẽ có một lời tựa để bổ sung vào khoảng trống từ năm 1847 đến nay”“Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”.

 

Hay V.I. Lênin, mặc dù nhấn mạnh tính “chính xác” và “hoàn bị” của chủ nghĩa Mác nhưng Người cũng không quên căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác nh­ư là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những ng­ười xã hộichủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”.

Như vậy, trong điều kiện mới, việc bổ sung, phát triển Học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là quan trọng, cần thiết, tất yếu khách quan, là đòi hỏi của thực tiễn cách mạng và chính vì các nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội đã làm như vậy và đã thành công. Vì vậy, trung thành với Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của đảng cộng sản mỗi nước phải vận dụng sáng tạo, phải phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Nói cách khác, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cách tốt nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng.

Điều này cũng đặt ra nhiệm vụ bổ sung nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nhất là kết quả của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đọ gần 40 năm qua như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: « Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Vì vậy, Đảng ta cần tổng kết những thành tựu về lý luận 40 năm đổi mới để có thể trình Đại hội XV của Đảng xem xét, bổ sung nền tảng tư tưởng của Đảng cho xứng tầm và vững chắc hơn khi lý luận và thực tiễn đã đủ rõ, đủ chín. Khi ấy, nền tảng tư tưởng của Đảng có thể là: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận đường lối đổi mới của Đảng”- khi bổ sung Cương lĩnh 1991 (sửa đổi 2011), đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.

Bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng có những thời điểm quyết liệt, có tính chất sống còn, có những lúc êm ả nhưng không kém phần cam go, phức tạp, nhưng Đảng ta vẫn đứng vững. Trong tình hình hiện nay, Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thế và lực của chúng ta đã lớn mạnh hơn, nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng vẫn đang diễn ra với những khó khăn và thách thức mới, các thế lực thù địch và phản động đang ra sức đẩy mạnh chống phá Đảng ta, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng, chính trị; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, nhận thức không đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, càng khiến cho việc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch gặp nhiều khó khăn, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”[1]. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là yêu cầu tất yếu để xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh.

Căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi giai đoạn, Đảng ta đưa ra những chỉ đạo cụ thể trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng đã thẳng thắn vạch rõ những âm mưu thâm độc của các lực lượng thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, như: “Diễn biến hòa bình là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”... Trong chiến lược này, hoạt động văn hóa - tư tưởng  được coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị  quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, của Đảng chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước”, khiến cho các thế lực thù địch có cơ hội chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch, phản động càng có điều kiện thuận lợi để tung tin thất thiệt, cố tình xuyên tạc chủ nghĩa xã hội, chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, không bao giừ thà nhận kết quả to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới.

Đặc biệt, các đối tượng cũng thường xuyên rêu rao rằng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lạc nhịp, là lỗi thời – thực chất là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, nội dung lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay bao gồm: Lãnh đạo đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; lãnh đạo phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh; lãnh đạo phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; lãnh đạo phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng; lãnh đạo đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao của Đảng, Nhà nước ta.

Với phương châm kết hợp giữa “xây và “chống” trong công tác tư tưởng, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là cần thiết, cấp bách nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, phê phán xử lý nghiêm những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần đấu tranh “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đảng ta đang tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định về nêu gương, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc học tập nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách tốt nhất để “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” với các tư tưởng sai trái thù địch. Xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân”, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành và phấn đấu vì hạnh phúc của Nhân dân, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn là giải pháp căn cơ nhất để không thế lực thù địch nào phá vỡ nổi mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đúng như V.I. Lênin đã viết: “tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó chúng ta sẽ học được cách khắc phục”.

 

Nguồn tin: Nguyễn Thế Mạnh - PGĐ Trung tâm chính trị huyện

Các tin tức khác:
  • Thường trực Hội đồng nhân dân huyện tổ chức họp phiên thường kỳ tháng 5 (09/06/2022 )
  • Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp trên địa bàn huyện năm 2022 (08/06/2022 )
  • Điện Biên Đông tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027. (07/06/2022 )
  • Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh giám sát tình hình, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri xã Luân Giói tại huyện Điện Biên Đông (06/06/2022 )
  • 9 gian hàng bị thiêu rụi thiệt hại gần 2 tỷ đồng (06/06/2022 )
  • Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên Đông phối hợp với Hội đoàn thể xã Luân Giói tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn tín dụng chính sách cho Ban quản lý Tổ Tiết kiệm& vay vốn (TK&VV) và Trưởng bản (06/06/2022 )
  • Hơn 3.800 thí sinh toàn tỉnh dự thi vào lớp 10 (03/06/2022 )
  • Khánh thành bàn giao điểm trường Háng Sua và tặng quà cho trẻ em xã Tìa Dình (02/06/2022 )
  • Điện Biên Đông tặng thưởng cho lực lượng Công an huyện có thành tích trong Chuyên án 522-D (02/06/2022 )
  • Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã Hội (NHCSXH) huyện Điện Biên Đông kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Phình Giàng (02/06/2022 )
  • Trang:
    1271-1280 of 2096<  ...  123  124  125  126  127  128  129  130  131  132  ...  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang