Cần khắc phục bất cập trong phòng cháy, chữa cháy
ĐBP - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC), với quan điểm lấy phòng ngừa là chính, chủ động sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, phương án chữa cháy. Tuy nhiên, hiện nay công tác PCCC vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.
.
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập
Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn cũng như công tác PCCC tại chỗ còn nhiều mặt hạn chế.
Khoảng 17 giờ ngày 8/3, gia đình bà Ðặng Thị Chuốt, tổ dân phố 20, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) dọn vệ sinh xung quanh nhà, gom lá khô đốt. Ðịa điểm bà Chuốt đốt lá gần rừng tre lại không thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn cháy nên ngọn lửa cháy lớn kết hợp gió thổi mạnh làm tàn than lan sang rừng tre gây cháy dữ dội. Gia đình bà Chuốt đã kêu gọi hàng xóm cùng dập lửa song không kiểm soát được ngọn lửa. Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã huy động 2 xe cứu hỏa để chữa cháy. Sau 30 phút, đám cháy đã được khống chế nhưng đã thiêu rụi hơn 200m2 rừng tre.
Một vụ cháy khác làm thiệt hại lớn tài sản của cá nhân. Ðó là vụ cháy xảy ra ngày 21/3 tại kho bông chít của bà Công Thị Vân, đội 5, khu đô thị Pom La, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên). Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã huy động 10 xe chữa cháy, 1 xe chỉ huy cùng 50 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai chữa cháy. Sau hơn 5 giờ nỗ lực, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 8 tấn thóc, 30 tấn bông chít và một số đồ dùng gia đình, thiệt hại ước tính 800 triệu đồng.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 145 vụ cháy, làm chết 1 người; thiệt hại trực tiếp do cháy gây ra ước khoảng 18,067 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy gây thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng; 21,1ha rừng và thảm thực vật.
Sớm khắc phục bất cập trong PCCC
Ðể nâng cao hiệu quả công tác PCCC, cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH; hướng dẫn và tổ chức cho các cơ sở tiềm ẩn nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn tỉnh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; phát động phong trào toàn dân PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với đó công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng nguy hiểm về cháy, nổ cao nằm trong khu dân cư. Giai đoạn 2015 - 2020, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC của 3.604 lượt cơ sở; hướng dẫn 2.164 lượt sở, ban ngành, đơn vị, cơ sở tự kiểm tra. Qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị khắc phục 1.796 sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC; đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 87 trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực PCCC với tổng số tiền phạt trên 90,75 triệu đồng nộp ngân sách.
Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Hiện nay, lực lượng chữa cháy gồm: Dân phòng, lực lượng cơ sở, lực lượng chuyên ngành và cảnh sát PCCC&CNCH. Ngoài lực cảnh sát PCCC&CNCH, các lực lượng chữa cháy còn lại chủ yếu thực hiện công tác phòng ngừa là chính còn về công tác chữa cháy thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Ðặc biệt là trang thiết bị, phương tiện chữa cháy cho các lực lượng đều rất thiếu, không đủ phục vụ khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Các đội PCCC&CNCH thuộc công an cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn nhưng chưa được trang bị thiết bị, phương tiện chữa cháy theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH của chính quyền địa phương đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao còn hạn chế, nhất là tại các khu vực chợ, trung tâm thương mại.
Trong tất cả những điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ thì khu vực chợ vẫn luôn là “điểm nóng”. Hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp, gian hàng chật hẹp, mặt bằng chợ quá tải; hệ thống điện chiếu sáng, đường thoát nạn và một số phương tiện chữa cháy đã lỗi thời. Bên cạnh đó, các tuyến đường nội bộ trong chợ cũng bị nhiều tiểu thương lấn chiếm nhằm tận dụng mặt bằng kinh doanh. Cá biệt có chợ chưa có ban quản lý chợ nên công tác phòng chống cháy, nổ đang bị bỏ ngỏ. Một số xã, phường hàng năm đều thu thuế các gian hàng, ki ốt nhưng lại không tái đầu tư vào các khu vực chợ nhất là đầu tư cho an toàn cháy nổ. Ðiển hình như, Chợ Trung tâm 1, chợ trung tâm 3 (TP. Ðiện Biên Phủ), chợ Trung tâm thị trấn Tuần Giáo, Chợ trung tâm thị trấn Tủa Chùa... Do đó, nếu xảy ra cháy nổ tại khu vực chợ sẽ rất khó ứng cứu, thiệt hại sẽ rất lớn.
Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn