Đẩy mạnh tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Điện Biên Đông là huyện vùng cao, với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiếu số chiếm hơn 90%. Trên địa bàn huyện những năm trước kia, tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn biến khá phức tạp. Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành trong huyện đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên Đông nhiều năm trở về trước diễn biến khá phức tạp. Đời sống của những gia đình “nhí” thường gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em sinh ra ốm yếu, dị tật, suy dinh dưỡng… Lớn lên trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe giống nòi, những đứa trẻ này cũng mịt mù tương lai.
Lời ru buồn tảo hôn, cận huyết
Năm 2022, vừa học xong lớp 9 Trường PTDTBT THCS xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, em Sùng A Vàng, bản Phì Nhừ B, xã Phì Nhừ đã lấy vợ khi mới tròn 15 tuổi. Vợ của Vàng là Sùng Thị Sinh, đang học lớp 8 Trường PTDTBT THCS xã Pu Nhi, cũng bỏ học để lấy chồng khi chưa đến 14 tuổi. Hiện 2 vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Còn quá trẻ, lại không có đất sản xuất, nên cuộc sống của 2 vợ chồng Vàng phụ thuộc hoàn toàn vào sự chu cấp của bố mẹ.
Cũng như Sinh, mới bước sang tuổi 14, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng em Thào Thị Sình, bản Phì Nhừ B, xã Phì Nhừ đã chuẩn bị làm mẹ. Sình bỏ giữa chừng khi đang học lớp 5. Chồng Sình năm nay mới 16 tuổi, cũng bỏ khi đang học lớp 6. Ở cái tuổi lẽ ra 2 vợ chồng Sình còn đang cắp sách tới trường thì các em đã phải lo gánh nặng gia đình. Do còn quá trẻ lại không có kiến thức nên dù có bầu được 5 tháng, nhưng Sình vẫn không biết cần phải bổ sung chất dinh dưỡng gì cho mẹ và bé. Hằng ngày em vẫn đi rừng chặt củi, lên nương trồng sắn để lo 3 bữa qua ngày.
Ở xã Phì Nhừ, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến. Theo số liệu thống kê của UBND xã thì mỗi năm trung bình có từ 30 đến 35 cặp vợ chồng tảo hôn. Riêng năm 2022, địa phương này có tới 40 trường hợp tảo hôn. Ðộ tuổi trung bình từ 14 - 16 tuổi đã lấy chồng, lấy vợ, thậm chí nhiều em mới chỉ 12 tuổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số mà trực tiếp làm cho đời sống của những ông bố, bà mẹ trẻ ngày càng trở nên vất vả, khổ cực hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện buồn này vẫn là do điều kiện sống của người dân còn nghèo khó, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế, vẫn còn quan niệm lấy vợ về để có thêm lao động cho gia đình. Mặt khác việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ, khiến cho tình trạng tảo hôn vẫn là một bài toàn khó giải.
Tình trạng tảo hôn hiện diễn ra hầu khắp các xã, bản vùng cao của huyện Điện Biên Đông. Theo số liệu thống kê, năm 2022 huyện Điện Biên Đông có 215 trường hợp tảo hôn, trong đó 23 trường hợp ở xã Tìa Dình, 21 trường hợp ở Keo Lôm, Phình Giàng 44 trường hợp, Xa Dung 29 và xã Phì Nhừ 40 trường hợp.
Những giải pháp đồng bộ, tích cực
Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và từng bước tiến tới giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cụ thể, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn trên địa bàn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình, lựa chọn nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, sát với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, đơn vị phối hợp tuyên truyền, vận động các đối tượng phụ nữ (nhất là học sinh từ 13 - 18 tuổi), thanh niên, học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số tại vùng có nguy cơ cao xảy ra tảo hôn và các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức như: Trực tiếp đến từng bản, để tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận tại xã, bản; xây dựng tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng; tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ; hoạt động ngoại khóa trong các trường học; đưa nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước của bản, tổ dân cư; tổ chức hội nghị cho đại diện các trưởng dòng họ, hộ gia đình ký cam kết không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Ảnh: Hội LHPN phối hợp với Công an huyện tổ chức tuyên truyền luật Giao thông đường bộ, Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tự tử lá ngón cho học sinh THCS trên địa bàn
Cùng với đó, các Cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua chương trình phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “xây dựng gia đình văn hóa”. Đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa.UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó góp phần nâng cao nhận thức; thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động cộng đồng, góp phần làm giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Từ năm 2022, đến nay, huyện Điện Biên Đông đã tổ chức nhiều hình thức truyên truyền: Pa nô áp phích, tờ rơi, Hội thi, hội nghị lồng ghép tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số với trên 6.620 lượt người tham gia tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 13 xã, 01 thị trấn.
Ảnh: UBND huyện Điện Biên Đông tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh các trường THCS năm 2022
Có thể nói, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, bước đầu người dân đã chú ý đến việc tìm hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật; từng bước nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm pháp luật do chủ quan, thiếu hiểu biết. Đồng thời việc triển khai thực hiện Đề án cũng đã từng bước thay đổi cách nghĩ và hành vi ứng xử về mối quan hệ hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên Đông, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Số trường hợp tảo hôn giảm dần qua các năm. Minh chứng cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 142 cặp tảo hôn, giảm 73 trường hợp so với năm 2022 (215 trường hợp). Điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây địa phương không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Những kết quả trên là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên rõ rệt, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng này ở địa phương. Tuy nhiên để đạt mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là phấn đấu chấm dứt cơ bản tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Điện Biên Đông. Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng trong quá trình triển khai thực hiện và còn rất nhiều việc cần phải làm, song với sự quyết tâm vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở, hy vọng rằng tình trạng tảo hôn sẽ được kiểm soát và chấm dứt trên địa bàn huyện Điện Biên Đông trong thời gian không xa, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác và chính sách dân tộc của Đảng, của Nhà nước cũng như thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số./.
Nguồn tin: Lan Anh, Điện Biên Đông