Để giảm bẫy lừa “việc nhẹ lương cao”
ĐBP - Thời gian gần đây, trong cả nước đã có nhiều trường hợp “sập bẫy” vì tin vào những thông tin trên mạng xã hội, internet về “việc nhẹ lương cao” khi sang Campuchia làm việc. Mới đây, trường hợp anh N.H ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đã phải cầu cứu gia đình gửi tiền sang Campuchia để “chuộc người” cũng chỉ vì muốn kiếm thêm thu nhập. “Việc nhẹ lương cao” đâu chưa thấy chỉ thấy nợ chồng thêm nợ, khó nghèo thêm nghèo khó.
Hai năm qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động không có việc làm, phải trở về quê nhà. Công việc khó khăn, thu nhập thấp nên nhiều người muốn tìm kiếm việc làm để trang trải cuộc sống. Đánh vào tâm lý đó, các đối tượng đưa thông tin quảng cáo công việc tại nước ngoài trên không gian mạng hoặc qua chính những nạn nhân trước đó chèo kéo, giới thiệu người sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao. Nhiều trường hợp sau khi sang Campuchia làm việc chưa thấy lương đâu mà tiền mất tật mang khi không ít người bị hành hạ, đánh đập, gia đình phải vay tiền chuộc người. Hành trình trở về quê hương bản xứ vô cùng gian nan mang theo nợ nần chồng chất. Như trường hợp anh N.H (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) là qua người quen giới thiệu để liên hệ với một người đang làm việc bên Campuchia tìm hiểu công việc. Và rồi anh đã quyết định xuất ngoại khi nhận được thông tin “làm ổn lương cao, không phải lo gì”. Nhưng rồi thực tế công việc phải dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo người chơi cá cược trực tuyến và khi không đạt chỉ tiêu, số lượng được giao sẽ bị ép tăng ca làm đến 16 tiếng mỗi ngày và trừ tiền vào số người thiếu. Quá mệt mỏi sức khỏe cả thể chất và tinh thần, dù gia đình khó khăn, anh N.H vẫn phải cầu cứu gia đình vay mượn tiền gửi sang Campuchia để chuộc người, trở về nhà.
Thông tin cảnh báo về những nguy cơ, rủi ro từ lời mời gọi, dụ dỗ đi làm “việc nhẹ lương cao” đã được báo chí và dư luận phản ánh nhưng thời gian qua vẫn tiếp tục có thêm nạn nhân mới. Trong đó, nhiều nạn nhân là người lao động sinh sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Phải chăng việc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa khiến người dân khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nên không biết những cảnh báo từ báo chí và các phương tiện truyền thông về rủi ro của chiêu trò dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”. Điều này cần tìm hiểu, xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp, hình thức phổ biến, tuyên truyền tới người dân.
Để người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin, nắm bắt những nguy cơ trước các chiêu trò dụ dỗ trên mạng xã hội, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở nên thường xuyên nắm bắt thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả. Thực tế hiện nay, việc tiếp cận thông tin đã dễ dàng hơn, chỉ cần chiếc điện thoại người dân có thể tìm hiểu mọi thông tin từ mạng xã hội cho tới báo chí, dư luận. Tuy nhiên, có thể thông tin về “việc nhẹ lương cao” dễ thu hút sự quan tâm của người lao động hơn là những thông tin cảnh báo nên vẫn tiếp tục có những nạn nhân “sập bẫy”. Chỉ vì mong muốn lợi ích trước mắt và nhu cầu xóa đói nghèo mà nhiều người vẫn mắc bẫy, gánh chịu hậu quả, thêm nợ nần, nghèo đói.
Tránh tăng thêm những nạn nhân như trên, việc nắm tình hình tư tưởng, diễn biến địa bàn cơ sở để có những cảnh báo kịp thời tới người dân là rất cần thiết. Và điều này là nhiệm vụ của chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở - những người trực tiếp sinh sống gần gũi với bà con. Nắm rõ tình hình, chủ động giải pháp để tuyên truyền, cảnh báo cho người dân tránh những chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo trên mạng. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân phòng tránh những mánh khóe lừa đảo với muôn hình vạn trạng trên mạng xã hội, internet là giải pháp lâu dài, hiệu quả chính quyền các cấp cần hướng tới.
Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/