Điện Biên Đông tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Thời gian đăng: 7/10/2023 2:52:11 PM

Những năm qua huyện Điện Biên Đông đã đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong đó có việc quan tâm đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên thời gian gần đây số vụ tai nạn thương tích nhất là tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn huyện vẫn thường xuyên xảy ra. Điều này đòi hỏi huyện Điện Biên Đông phải có những biện pháp cụ thể nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhằm sớm hạn chế tình trang tai nạn thương tích ở trẻ!

Mường Luân, huyện Điện Biên Đông là địa bàn rộng, số trẻ trong độ tuổi từ Mầm non đến THCS tại địa phương khá lớn với trên 800 trẻ. Đây là lứa tuổi hiếu động, nghịch ngợm và chưa có kiến thức kỹ năng phòng tránh đuối nước; trong khi đó trên địa bàn xã lại có sông Mã dài hơn 10km chạy dọc theo các bản. Trong thời tiết nắng nóng và trong thời gian nghỉ hè như hiện nay, khi không có sự quan tâm, giám sát của gia đình và nhà trường thì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích là rất cao.Theo số liệu thống kê, năm 2021 trên địa bàn xã có 02 trường hợp trẻ bị đuối nước, năm 2022 có 03 trường hợp và gần đây nhất ngày 11/5/2023 đã xảy ra 01 trường hợp bị tử vong do đuối nước. Câu chuyện trẻ tự ý tắm ao, sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn như trên không phải hiếm gặp ở địa phương này. Trong khi đó, không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện được hướng dẫn, dạy kỹ năng bơi, mà đa phần là tự học lẫn nhau. Điều này lý giải tại sao tai nạn đuối nước vẫn liên tiếp xảy ra tại đây.

anh-1.jpg

Bản Pá Vạt, xã Mường Luân có dòng sông Mã chảy qua

Huyện Điện Biên Đông có hơn 23 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 650 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trên 12 nghìn trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Do đa phần các em đều đang ở trong độ tuổi hiếu động, thích khám phá, trong khi các điểm vui chơi an toàn, lành mạnh lại thiếu nên các em thường chơi ở trước nhà, ven đường, ven ao, hồ, sông, suối mà không có người lớn trông coi, giám sát dẫn đến nguy cơ cao bị tai nạn thương tích. Hàng năm, không chỉ đuối nước mà trẻ bị ngã, bỏng, tai nạn giao thông, động vật hoặc côn trùng cắn, ngộ độc, tử vong do ăn lá ngón…. cũng liên tục xảy ra.

anh-2.jpg

Trẻ em tắm ở sông suối không có sự giám sát của người lớn

anh-3.jpg

Thiếu sân chơi nên trẻ em thường chơi trước nhà, ven đường,..

Xác định rõ thực trạng đó, để tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, thời gian qua, cùng với việc tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch, hướng dẫn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng LĐTB&XH còn đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho gia đình, nhà trường và xã hội thông qua nhiều biện pháp đa đạng, phong phú, như: Tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan; truyền thông cho cán bộ giáo viên, học sinh trong các trường, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; cán bộ đoàn đội, cha mẹ và các em nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

anh-4.jpg

Huyện mở các lớp dạy bơi cho trẻ dịp nghỉ hè

Điện Biên Đông là một huyện nghèo, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hơn 90% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh đẻ nhiều trong khi đó mức sống còn thấp, nhiều hộ gia đình còn sống trong cảnh đói nghèo do đó trẻ em trên địa bàn huyện còn chưa được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Mặt khác do cơ sở vật chất hạ tầng còn thấp kém, một bộ phận các em ở các bản vùng sâu vùng xa còn đang sống trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn, thiếu nơi vui chơi nhất là trong mỗi dịp nghỉ hè, nguồn lực hỗ trợ cho công tác trẻ em còn chưa nhiều, chưa thường xuyên nên việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn chưa được toàn diện, đầy đủ. Trên địa bàn huyện còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em chưa được giải quyết như tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, tự tử bằng lá ngón, một số trẻ trong độ tuổi vị thành niên phải lao động sớm, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi còn phổ biến do các em chưa được đảm bảo về bữa ăn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số trẻ phải bỏ học giữa chừng lao động phụ giúp gia đình hoặc tự đi lao động kiếm sống từ đó là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo buôn bán trẻ em..... Đây đang là những vấn đề liên quan đến trẻ em đỏi hỏi các cấp các ngành trong huyện cần sớm có giải pháp để chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách toàn diện.

anh-5.jpg

Hàng năm, huyện tổ chức diễn đàn trẻ em để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc bằng việc triển khai nhiều giải pháp, song hàng năm vẫn ghi nhận những trường hợp trẻ tử vong thương tâm vì tai nạn thương tích. Để khắc phục và giảm được tai nạn thương tích ở trẻ, hạn chế tình trạng trẻ bị buôn bán, xâm hại, thời gian tới thì đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về trẻ em, thực hiện tốt kế hoạch xây dựng ở địa phương phù hợp với trẻ em tại cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có chức năng liên quan, các xã, thị trấn cần chủ động phối hợp để triển khai thực hiện nhiều giải pháp, phòng ngừa, giảm thiểu can thiệp sớm tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích. Trong đó quan trọng trước hết vẫn là ý thức của mỗi gia đình và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ và giám sát con em của mình, cần tạo lập cho trẻ một môi trường an toàn để phát triển  một cách đầy đủ về thể chất và tinh thần./.

Nguồn tin: Lan Anh, Điện Biên Đông

  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang