Đưa công nghệ số đến với người dân
ĐBP - Để giải bài toán phát triển cho tương lai, tỉnh Điện Biên đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên tất cả các lĩnh vực. Với quyết tâm lan tỏa mạnh mẽ chuyển đổi số, các đơn vị, địa phương xác định những mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, trong đó tập trung ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công. Qua đó từng bước góp phần tạo chuyển biến, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời mang lại sự đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trước kia, Trường THPT Lương Thế Vinh quản lý hồ sơ học sinh, giáo viên, văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành thông qua sổ sách, giấy tờ thì giờ đây, các hồ sơ, sổ sách đã được đơn giản hóa bằng phần mềm quản lý hồ sơ công việc. Các dữ liệu được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ quản lý giáo dục giúp cán bộ quản lý và giáo viên thuận tiện hơn trong tiếp nhận văn bản, quản lý học sinh, không còn những sổ sách rườm rà. Thầy giáo Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Hiện nay, nhà trường tập trung áp dụng chuyển đổi số trong cả quản lý và điều hành cũng như trong quá trình giảng dạy. Nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, mỗi cán bộ, giáo viên đều chủ động tìm hiểu, nghiên cứu sử dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác dạy và học. Đến nay, 100% giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo giáo án điện tử, nhất là việc triển khai hồ sơ nội bộ của giáo viên thông qua nền tảng CNTT cũng thuận lợi hơn. Từ thực tế đó, nhà trường nhận thấy việc khai thác CNTT và chuyển đổi số đem lại hiệu quả cao, nhất là trong công tác dạy học. Ngoài ra, việc giáo viên áp dụng công nghệ hiện đại còn giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với học liệu ngoài chương trình phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường...”.
Tương tự, nếu như trước đây, tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều phải xử lý công việc thông qua những thủ tục hành chính phức tạp thì nay các bước tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đã nhanh và thuận tiện hơn thông qua dịch vụ công trực tuyến. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, cán bộ UBND phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Đối với chính quyền địa phương, chúng tôi đã xây dựng cơ bản về cơ sở vật chất, tối ưu các dịch vụ công trực tuyến, như: Đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cũng như cán bộ chuyên môn. Việc ứng dụng các phần mềm CNTT giúp công việc được xử lý nhanh gọn hơn, tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân khi đến giao dịch”.
Với quyết tâm tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tăng cường ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc sử dụng phần mềm, xử lý công việc qua thư điện tử, giới thiệu sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Hạ tầng xã hội số được triển khai rộng khắp, mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến 99% hộ gia đình. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 5.500 người tham gia; từ đó trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Chia sẻ về những tác động của chuyển đổi số với sự phát triển của tỉnh, ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện theo chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo và phê duyệt đề án chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột gồm: Xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng chính quyền cũng như phát triển kinh tế - xã hội đã và đang đem lại lợi ích rất to lớn, đặc biệt là thực hiện mục tiêu về cải cách hành chính thông qua chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục. Việc ứng dụng chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho các sản phẩm có điều kiện tiếp cận thị trường nhiều hơn; từ đó hình thành cơ chế trực tuyến giữa người sản xuất với người tiêu dùng nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra chuyển đổi số còn giúp người dân tiếp cận gần hơn với ứng dụng các dịch vụ xã hội, như: Khám chữa bệnh, giáo dục... Đặc biệt là các khoản thanh toán dịch vụ xã hội thông qua ứng dụng của dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhiều chi phí và thời gian cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục... Để từ đó, chuyển đổi số sẽ mở ra những cơ hội mới giúp Điện Biên phát triển nhanh, bền vững, bắt nhịp với các tỉnh, thành trong cả nước.
Dù còn không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhưng tin tưởng rằng, với những định hướng, mục tiêu rõ ràng, cụ thể, tỉnh Điện Biên sẽ sớm phát triển nền tảng cần thiết để đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, tạo ra sự đột phá trên các lĩnh vực theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Và đây sẽ là chìa khóa giúp Điện Biên có những bứt phá, sớm hòa nhập với xu thế chuyển đổi số chung của cả nước.
Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/