Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - thấp tho trỗ vụ Mùa năm 2024
Hiện nay trên địa bàn huyện cây lúa vụ Mùa năm 2024 đã gieo cấy được 3.025/3.025 ha, đạt 100% so với kế hoạch huyện giao, cây đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - thấp tho trỗ, diễn biến thời tiết phức tạp, thời tiết sáng sớm có sương mù, độ ẩm không khí cao, nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá, bệnh nghẹt rễ phát sinh gây hại mạnh trên cây lúa vụ Mùa.
Ảnh: Cán bộ trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa tại xã Chiềng Sơ
Qua công tác điều tra bổ sung tình hình sinh vật gây hại trên cây lúa vụ Mùa của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp từ ngày 20 - 27 tháng 8 năm 2024 trên địa bàn các xã, thị trấn. Hiện nay, trên diện tích sản xuất lúa vụ mùa 2024, đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, bệnh nghẹt rễ gây hại mạnh trên địa bàn các xã Luân Giói, Chiềng Sơ, Thị trấn và có nguy cơ phát sinh, gây hại trên địa bàn các xã còn lại. Để chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân tập trung, phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại chính như sau:
Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Sử dụng các biện pháp thủ công, vợt bắt, giết sâu trưởng thành, nhộng và sâu non. Kiểm tra, đồng ruộng, khi mật độ sâu đến ngưỡng (giai đoạn đứng cái - làm đòng từ 10 con/ m2 trở lên, đẻ nhánh rộ từ 25 con/ m2 trở lên), sử dụng một số loại thuốc trừ sâu cuốn lá để phun phòng trừ, ví dụ thuốc: Comda gold 5WG, Emaben 3.6WG, Dofaben 150WG, Rholam super 100WP, Clever 150SC, Gà nòi 95SP, Dylan 2.0EC... Thời điểm phòng trừ phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, ưu tiên phun khi sâu non mới nở tuổi 1, 2.
Đối với bệnh đạo ôn lá: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng ngay việc bón phân hoá học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng để hạn chế bệnh phát triển lây lan. Hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc có trong danh mục để phun phòng trừ như: Babalu 400WP, Filia 525SE, Anizol 75WP, Bankan 600WP. Trên những ruộng bị nặng cần ngắt bớt lá bị bệnh thu gom tiêu hủy và tiến hành phun phun kép (2 lần), lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá, phun vào sáng sớm và chiều mát.
Đối với bệnh bạc lá lúa: Bón vôi từ 25-30 kg/1000 m2, có thể rắc tro bếp thay cho vôi bột. Sau mưa dông, cần kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, cần phun phòng trừ ngay bằng các thuốc đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (ví dụ: Stariner 20WP, Kasumin 2SL, Xanthomix 20WP, Anvil 5SC... Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần cách nhau 5- 7 ngày).
Đối với bệnh nghẹt rễ: Khi ruộng lúa bị bệnh không bón phân đạm, tiến hành tháo cạn nước bón thêm 20 - 25 kg vôi bột + 10-15 kg supe lân/1.000 m2, kết hợp với làm cỏ sục bùn, để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cho cây lúa, ruộng hại nặng nên kết hợp sử dụng chế phẩm, phân bón qua lá cho lúa như: XO siêu lân, Komic... giúp cây lúa phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.
Lưu ý: Ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ sinh vật gây hại. Đối với diện tích lúa đang trỗ thì cần phun thuốc vào trước 8 giờ sáng và sau 16 giờ chiều, nếu phun xong gặp mưa phải phun lại; phun đủ lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích và đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng trừ dịch hại cây trồng. Sau khi phun xong cần để bao gói đúng nơi quy định, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nguồn tin: Dương Mai