Không để mai một trang phục truyền thống dân tộc
ĐBP - Trong đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số, bên cạnh tiếng nói, chữ viết thì trang phục truyền thống là một trong những văn hóa đặc trưng, thể hiện nét riêng biệt và là cách để nhận biết từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây việc mang mặc trang phục truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số có biểu hiện dần bị mai một.
Gần đây tôi được cơ quan cử đi dự đưa tin tuyên truyền trong một hội nghị gặp mặt già làng, trưởng bản của một đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tôi háo hức chuẩn bị tư trang hành lý và chú ý nhất là chiếc máy ảnh, với hy vọng qua dự hội nghị này sẽ gặp, chụp được nhiều ảnh đại biểu mặc trang phục truyền thống của dân tộc bản địa. Bởi địa bàn mà đơn vị quản lý đa phần là các dân tộc như: Mông, Dao, Hà Nhì, Thái, Nùng… Ngay từ cổng đơn vị cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu đã được bài trí trang hoàng đón tiếp các đại biểu. Gần đến giờ gặp mặt các đại biểu đến mỗi lúc một đông, có những già làng đã 75 - 80 tuổi mà vẫn vượt hàng chục cây số đường rừng đến dự hội nghị từ rất sớm, nét mặt ai nấy đều hân hoan vui mừng. Song điều làm tôi thật bất ngờ nhất là các già làng, trưởng bản là người dân tộc thiểu số, dự hội nghị rất quan trọng, hai năm mới tổ chức một lần nhưng đa phần lại mang mặc âu phục (com-lê), số khác thì mặc áo khoác, áo Jacket… Tôi đi từng hàng ghế kiếm tìm mà thấy rất ít người mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Kể từ hôm ấy, vấn đề về mang mặc trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cứ băn khoăn trong tâm trí tôi.
Mỗi dân tộc, bản làng đều có tập tục, nét văn hóa riêng. Trang phục cũng vậy, được lưu truyền từ bao đời, rất cần phải được giữ gìn và coi đó là nét văn hóa tiêu biểu đặc trưng của dân tộc mình. Ðành rằng trong thời buổi kinh tế thị trường, tư duy, nếp nghĩ, nét văn hóa cũng bị tác động thay đổi ít nhiều. Nhưng “hòa nhập chứ không hòa tan”, không thể để mất đi những gì gọi là đặc trưng, tinh hoa nhất, đậm nét văn hóa nhất của dân tộc mình. Trước thực trạng mai một trang phục truyền thống dân tộc, thiết nghĩ không chỉ ngành Văn hóa mà cả xã hội, cộng đồng cho đến mỗi người dân cần phải quan tâm đến vấn đề này. Các cơ quan quản lý cần sớm có những kế hoạch, chương trình, xây dựng thiết chế, hương ước, quy ước; truyền truyền vận động, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc giữ gìn và thường xuyên mang mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình; quan tâm tổ chức hội thi may, mặc, biểu diễn, khích lệ bà con thường xuyên mang mặc, nhất là thế hệ trẻ coi trọng trang phục truyền thống của từng cộng đồng dân tộc. Mỗi người coi việc mang mặc trang phục truyền thống không chỉ là niềm tự hào, tự tôn dân tộc mà đó còn là sự kế thừa, bảo tồn; không nên chế tác, cải tiến làm méo mó những bộ trang phục. Các nét hoa văn, họa tiết, màu sắc của mỗi loại trang phục, dân tộc đều có những nét độc đáo, thể hiện nét đẹp riêng. Do vậy việc bảo tồn không để mai một trang phục dân tộc là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, từng người dân, nhất là ngành văn hóa ở cơ sở.
Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn