Nâng giá trị sản phẩm OCOP ở Điện Biên Đông

Thời gian đăng: 14/06/2021 15:24:45 PM

ĐBP - Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ở Điện Biên Đông - huyện vùng cao của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP song thực tiễn cũng nảy sinh những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ để phát triển bền vững, nâng giá trị với mục tiêu cao nhất là tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

.

Khoai sọ được người dân trồng ở bản Tào Xa A, xã Phì Nhừ phát triển xanh tốt.

Bài 1: Vướng sau công nhận

Dành sự quan tâm đặc biệt về kinh phí, chỉ đạo và sự vào cuộc trách nhiệm của cán bộ chuyên môn, sau hơn hai năm triển khai chương trình OCOP, huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Song chỉ sau công nhận không lâu đã nảy sinh nhiều vướng mắc khi nâng cao giá trị, kết nối tiêu thụ và tạo vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Nguyên nhân vướng mắc lại phần nhiều do chủ thể sản xuất ở địa phương…

Nỗ lực xây dựng chuỗi

Đề cập quá trình triển khai xây dựng sản phẩm đề nghị công nhận OCOP của huyện Điện Biên Đông, ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Nhận thấy nông sản ở các xã Phì Nhừ, Tìa Dình và Na Son có tiềm năng, lợi thế đặc biệt để xây dựng thành sản phẩm chủ lực, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đầu tư kinh phí và hỗ trợ các chủ thể xây dựng hồ sơ công nhận. Quá trình triển khai thực hiện, huyện thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn các xã - chủ thể thực hiện và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình.

Theo chỉ đạo đó, trong 2 năm (2019 - 2020), Điện Biên Đông đã huy động gần 936 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện khâu tư vấn; cấp tỉnh khâu tư vấn, thiết kế bộ nhận diện sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc… Cùng với đó huyện còn hỗ trợ thực hiện dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ dân với Hợp tác xã Nông nghiệp CCO huyện Điện Biên Đông và một số đơn vị khác.

Với người dân các xã có sản phẩm chủ lực được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, như: Tìa Dình (sản phẩm bí xanh); Na Son (lạc đỏ, nếp tan); Phì Nhừ (khoai sọ); Pú Hồng (tinh dầu hương nhu, nếp hạt to)... Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phân công cán bộ hướng dẫn UBND các xã chủ động triển khai; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích, trồng chăm sóc đúng kỹ thuật. Với cách làm trên, đến cuối năm 2020 huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn khô; 2 sản phẩm tinh dầu hương nhu và gạo nếp thơm hạt to Pú Hồng đang chờ xét duyệt của Hội đồng thẩm định và Điện Biên Đông trở thành một trong những huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhất trong tỉnh. Sau khi được công nhận OCOP, tham gia triển lãm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh các sản phẩm của huyện Điện Biên Đông thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Đứt chuỗi vì... “tham bát bỏ mâm”

Mừng với số lượng, chất lượng sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, Ban chỉ đạo chương trình nông thôn mới huyện Điện Biên Đông đặc biệt quan tâm chỉ đạo thành viên, các phòng ban vào cuộc kết nối doanh nghiệp, HTX hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Nhưng ngược với chỉ đạo của huyện, khi nhà đầu tư, HTX nỗ lực vào cuộc thì nông dân lại phá cam kết vì suy nghĩ “tham bát bỏ mâm”.

Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Điện Biên Đông chủ động xây dựng sản phẩm OCOP và có 3 sản phẩm (bí xanh, khoai sọ, lạc đỏ) đã xây dựng thành chuỗi liên kết với các hộ dân trên địa bàn các xã Na Son, Phì Nhừ và Tìa Dình, HTX Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông (trụ sở tại thị trấn Điện Biên Đông) được tham gia hội chợ thương mại và dự hội thảo kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc tại Hà Nội. Sau khi tham gia các hội chợ, kết nối tiêu thụ nông sản, năm 2020 HTX Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông kết nối nhiều nhà bán lẻ ở các tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận cam kết tiêu thụ trên 71 tấn bí xanh, 18 tấn lạc đỏ, 45 tấn khoai sọ. Năm nay, HTX Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông đã ký kết hợp đồng tiêu thụ lạc đỏ với Công ty TNHH 2 chìa khóa.

Cùng HTX Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông, hiện nay HTX Hoa Ban (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) ngoài hướng dẫn các thành viên sản xuất bí xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Nhờ sự kết nối của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, HTX Hoa Ban đã liên kết với hệ thống siêu thị Vinmart (Hà Nội) và Siêu thị Hoa Ba (TP. Điện Biên Phủ) để tiêu thụ nông sản ổn định hơn. Các doanh nghiệp này đã về tận thôn, bản khảo sát tình hình, đánh giá chất lượng, nguồn cung và ký hợp đồng dài hạn với HTX. Trong chuỗi liên kết này, HTX Hoa Ban ngoài đảm bảo chất lượng còn chịu trách nhiệm đóng gói, dán tem theo đúng yêu cầu của đơn vị ký hợp đồng. Trung bình mỗi năm, HTX Hoa Ban cung cấp cho các siêu thị 10 tấn bí. Tuy nhiên sau ký hợp đồng liên kết không lâu chính người dân tự phá vỡ liên kết.

Ông Bùi Xuân Thức, Bí thư Đảng ủy xã Phì Nhừ, cho biết: Theo hợp đồng liên kết, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm khoai sọ tại Phì Nhừ vậy nhưng mùa thu hoạch người dân lại tự ý bán khoai sọ cho tư thương vì giá cao hơn cam kết với đơn vị liên kết. Nhìn thấy lợi về giá (cao hơn hợp đồng liên kết từ 5.000 - 10.000 đồng/kg), song bà con nông dân không tính được cái hại phía sau cách làm ấy. Bởi tư thương chỉ thu mua củ to, đẹp với giá cao hơn liên kết, trong khi thực tế một tạ khoai chỉ có khoảng 20 cân loại to đẹp, còn lại là loại bé, xấu gần như bị ế! Trước thực trạng này, một số HTX, doanh nghiệp đã không tiếp tục bao tiêu sản phẩm, người dân không bán được khoai nên nhiều hộ... bỏ trồng.

Bên cạnh thực trạng trên, vấn đề quy hoạch vùng trồng nguyên liệu cho sản phẩm bí xanh Tìa Dình đang vướng mắc rất cần tháo gỡ. Ông Đoàn Đức Minh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Quy hoạch, thiết kế nông, lâm nghiệp tỉnh, cho biết: Tại 5 bản thuộc xã Tìa Dình được dự kiến quy hoạch vùng nguyên liệu trồng bí xanh lại thuộc quy hoạch rừng phòng hộ của tỉnh; trên thực tế vẫn là đất sản xuất luân canh của người dân, hiện bà con vẫn tận dụng diện tích trồng bí xanh xen lúa nương. Do vậy, vấn đề trùng quy hoạch rất cần được quan tâm tháo gỡ.

Không vướng nhiều như ở Tìa Dình, song tại xã Phì Nhừ vùng dự kiến quy hoạch trồng khoai sọ gồm: Tào Xa A, Tào Xa B, Trống Giông A, Trống Giông B và Chua Ta A thì hiện chỉ có 2 bản Tào Xa A và Chua Ta A còn diện tích đất để trồng. Diện tích dự kiến trồng khoai sọ tại bản Trống Giông A, Trống Giông B trước đó đã đưa vào quy hoạch ba loại rừng. Vì vậy xã Phì Nhừ đề xuất thay diện tích phát triển vùng nguyên liệu ở bản Trống Giông A, Trống Giông B bằng diện tích ở bản Trống Mông. Theo lý giải của người dân thì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu giữa các bản này có sự tương đồng, khá phù hợp với cây khoai sọ do vậy việc đảm bảo diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu trồng ổn định sẽ giúp bà con yên tâm sản xuất.

Bài 2: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ

Bài, ảnh: Minh Thùy - Mai Phương

Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/

Các tin tức khác:
  • Lãnh đạo Sở TT&TT thăm, chúc tết cán bộ, nhân dân xã Pú Hồng (23/02/2017 )
  • Trang:
    2101-2101 of 2101<  ...  202  203  204  205  206  207  208  209  210  211  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang