Nhà giáo của bản làng vùng cao

Thời gian đăng: 20/11/2019 09:25:48 AM

ĐBP - Những năm qua, chất lượng giáo dục miền núi không ngừng được nâng cao; nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo, các kỳ thi học sinh giỏi... Ðể có được thành tựu đó, ngoài chính sách đầu tư, phát triển giáo dục của Ðảng, Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực học tập rèn luyện của học sinh còn phải kể đến sự đóng góp to lớn, thầm lặng của đội ngũ thầy, cô giáo “cắm” bản - những người luôn miệt mài gắn bó với công việc gieo chữ nơi bản làng vùng cao.

Một giờ học của học sinh tại điểm trường Phìn Hồ A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Tuấn Anh

Huyện Nậm Pồ hiện có 381 cán bộ quản lý, giáo viên cấp mầm non. Trong đó, có trên 50% giáo viên công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ðặc thù vùng cao giao thông cách trở, không điện lưới, công tác dạy học gặp nhiều khó khăn khi phải dạy lớp ghép; nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Ðặc biệt, nhiều điểm trường cách xa trung tâm, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, các thầy cô giáo ở đây luôn tận tâm, tận lực bám lớp, bám trường, gần dân, sát dân để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Sau gần 1 giờ di chuyển bằng xe máy quãng đường khoảng 10km từ trung tâm xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ) chúng tôi đã có mặt tại điểm trường mầm non Hô Tâu. Ðiểm trường này hiện có 3 lớp với 60 trẻ từ 24 tháng tuổi, 36 tháng tuổi và lớp 5 tuổi; 100% là người dân tộc Mông. Có 3 cô giáo phụ trách tại đây. Ngoài thực hiện công việc dạy học, các cô còn phải đảm nhiệm việc nấu ăn, chăm sóc trẻ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Ðây là một trong những điểm trường nằm cách xa trung tâm và khó khăn nhất của xã Nậm Khăn khi chưa có điện lưới quốc gia. Chứng kiến nỗi vất vả, gian truân của các cô giáo mầm non “cắm” bản ở nơi đây mà không khỏi xót xa. Ðể đem được con chữ đến cho các em học sinh vùng cao, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, các cô giáo đã hi sinh tuổi thanh xuân, đời sống vật chất, tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí “nhường cơm sẻ áo” để đồng hành cùng với học sinh của mình.

Cô giáo Quàng Thị Nga dạy học ở Ðiểm trường Mầm non Hô Tâu chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở huyện Tuần Giáo, sau khi ra trường, tôi xung phong lên vùng cao dạy học. Vượt bao khó khăn lên đây bám bản đã được bảy mùa xuân; vui có, buồn có, nhọc nhằn vất vả thì thường trực. Các em học sinh 100% là dân tộc Mông ít được giao tiếp nên nói tiếng phổ thông còn hạn chế. Chúng tôi phải cố gắng học thêm tiếng của đồng bào địa phương để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho các em. Bảy năm gắn bó với vùng cao tuy chưa nhiều nhưng tôi đã chứng kiến không ít những câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo nơi đây. Các em phải đi bộ 4 - 5 cây số đường mòn tới trường. Mùa đông giá rét, có những em chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi cả tuần vừa ngồi học vừa run. Tôi nhớ có lần đi vận động học sinh ra lớp, có một số em không ở nhà mà theo bố mẹ lên nương. Ðến lán nương thấy các em mặc phong phanh mỗi chiếc áo, da tím tái vì lạnh, đi chân đất, đầu tóc rối bời; bữa trưa cũng chỉ có cơm trắng với đĩa muối, một chai nước uống dùng chan cơm. Nhìn học trò của mình như vậy tôi đã không cầm nổi nước mắt... Khó khăn là vậy nên mỗi khi về thăm nhà, chúng tôi đều vận động và quyên góp những bộ quần áo đã qua sử dụng nhưng vẫn còn lành lặn rồi đem giặt sạch sẽ để mang lên cho các em với mong muốn phần nào chia sẻ được những khó khăn, thiếu thốn ấy.

Sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất gian nan. Giữa bốn bề núi rừng, cuộc sống người giáo viên cắm bản thiếu thốn trăm bề. Càng thấu hiểu những khắc nghiệt của vùng cao, các cô giáo càng yêu nghề, yêu trẻ hơn. Chọn nghề giáo viên do yêu nghề, yêu trẻ. Và nếu như ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh vùng cao ai sẽ mang chữ tới cho các em? Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về các thầy cô đang ngày đêm lăn lộn, gắn bó với học sinh vùng sâu, vùng xa, khó có từ ngữ nào diễn tả hết được sự hi sinh thầm lặng đó. Họ chính là những giáo viên cắm bản - nhà giáo của bản làng vùng cao.

Anh Nguyễn

Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn

Các tin tức khác:
  • Thực hiện Kế hoạch số 34-KH/TTCT, ngày 12/12/2023 của Trung tâm Chính trị huyện về việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ năm 2024. Ngày 12/9/2024 Trung tâm Chính trị huyện long trọng tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới khóa 17. (13/09/2024 )
  • Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông kiểm tra hoạt động nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách tại cơ sở. (11/09/2024 )
  • Trao quà hỗ trợ cho hộ nghèo, các cháu học sinh tại bản Tà Té A, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông. (11/09/2024 )
  • Kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại xã Tìa Dình (11/09/2024 )
  • Trường PTDTBT Tiểu học Nậm ngám xã Pu Nhi tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 (09/09/2024 )
  • Đồng chí Vũ Ngọc Hoành kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ (09/09/2024 )
  • Cụm trường xã Phì Nhừ tổ chức khai giảng năm học mới năm 2024-2025 (09/09/2024 )
  • Đoàn công tác của huyện Điện Biên Đông dự Lễ Khai giảng và đón Bằng công nhận Trường PTDTBT-TH Luân Giói đạt chuẩn Quốc gia. (05/09/2024 )
  • Lễ khởi công xây dựng nhà sàn Điện Biên tại thành phố Thủ Đức (05/09/2024 )
  • Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê trên địa bàn xã Pú Hồng (05/09/2024 )
  • Trang:
    121-130 of 2096<  ...  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  ...  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang