Nỗi niềm người trồng chanh leo

Thời gian đăng: 25/11/2019 07:50:22 AM

ĐBP - Loại bỏ cây truyền thống để chuyển sang trồng cây chanh leo với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng mỗi vụ thu hoạch đến, người dân Mường Ảng lại tăng thêm nỗi niềm lo lắng, bất an bởi khó khăn trong tiêu thụ dù cây chanh leo cho năng suất, chất lượng đảm bảo.

Xa vời ước vọng làm giàu

Lom khom nhặt những quả chanh leo rụng la liệt dưới đất, anh Nguyễn Minh Cửu, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa cho biết: Tôi trồng hơn 2ha chanh leo tím theo chương trình hợp tác giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, tức là người dân được hỗ trợ cây giống, vật tư và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Song chanh leo đã vào vụ thu hoạch từ tháng 8 nhưng vẫn chưa bán được quả nào cho Công ty, cũng không thấy doanh nghiệp đến hỏi mua. Xót của nhưng không biết làm sao, ăn chỉ được vài quả chứ ăn sao hết hàng hec ta? Chanh leo không giống như các loại quả khác mà cứ chín là rụng. Từ sáng đến giờ nhặt được 5 tải rồi, chưa biết để làm gì. Trồng hơn 2ha nhưng chỉ bán lẻ cho người tiêu dùng vài ba cân, nhiều lắm thì họ mua được 10kg, trong khi đó với diện tích của gia đình, mỗi đợt thu hoạch từ  6 - 7 tấn.

Anh Nguyễn Minh Cửu, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) nhặt chanh leo chín rụng đầy gốc mà chưa biết bán cho ai. Ảnh: Tú Anh

Theo anh Cửu, ngoài giống, vật tư được hỗ trợ ban đầu thì gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua hệ thống nước tưới tự động, đổ cọc bê tông làm giàn, mua phân bón và công chăm sóc hàng ngày. “Nếu như trồng cà phê vất vả 1, thì trồng chanh leo vất vả 10! Vì cà phê mỗi năm chỉ bón phân, tỉa cành 2 lần, phun thuốc trừ sâu một lần còn trồng chanh leo không khác gì chăm con mọn.

Nhưng xác định làm nông dân thì vấn đề vất vả không đáng ngại, miễn là sản phẩm mình làm ra tiêu thụ được” - anh Cửu bày tỏ.

Khi được hỏi tại sao không chủ động vận chuyển sản phẩm đến công ty đã ký kết để bán thì anh Cửu cho biết: Do không có phương tiện để vận chuyển, mà gửi xe khách giá cước cao. Trong khi đó mình không biết công ty sẽ mua với giá thế nào vì có thể lúc mình thu hoạch thì chanh chất lượng tốt nhưng khi đến công ty thì chất lượng không được như ban đầu nữa; quả sẽ bị xước, móp do khâu vận chuyển, do phải chờ đợi kiểm đếm nhập kho…

Xót của, thời gian qua anh Cửu đành lên mạng internet rao bán online, gửi chanh leo về quê nội, ngoại nhờ bán hộ, vận dụng mọi mối quan hệ quen biết để nhờ bán, nhưng trừ cước cận chuyển còn chẳng đáng là bao.

Cũng là một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Ẳng Nưa với hi vọng thoát nghèo, gia đình anh Nguyễn Quang Hưng, bản Co Hắm trồng 2ha chanh leo tím. Song cũng giống như gia đình anh Cửu, anh Hưng gặp vô vàn khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tháng 9 vừa qua anh Hưng đã chủ động chở 6 tạ chanh leo xuống nhà máy Nafoods Tây Bắc, có trụ sở tại tỉnh Sơn La. Trước khi vận chuyển sản phẩm anh Hưng đã trao đổi với đại diện Công ty và được phía công ty đưa ra 3 mức giá mua tại nhà máy đối với từng loại loại sản phẩm: Loại xuất Âu (xuất sang thị trường châu Âu) có giá 22 nghìn đồng/kg; loại V1, V2: 8 nghìn đồng/kg và loại thấp là 7 nghìn đồng/kg. Yêu cầu của Công ty đối với việc thu hoạch, bảo quản cũng rất cao, nhất là đối với loại xuất Âu, như:  Khi thu hái phải đeo găng tay y tế, quả không được trầy xước, đều đẹp (10 - 11 quả/kg). “Khi thu hoạch, mình đã thực hiện đúng các yêu cầu trên của Công ty, tuy nhiên khi mình chở hàng đến Công ty thì đã mất gần một ngày, đợi đến hôm sau để được kiểm đếm. Nhưng gần một ngày chờ đợi vẫn không thể bán với rất nhiều lý do. Xác định nếu hàng của mình có được nhập kho thì cũng không thuộc loại nào trong số quy định của Công ty nên mình đành chở chanh quay về đổ ra vườn làm phân bón”- Anh Hưng chua xót kể.

Không chỉ gia đình anh Cửu, anh Hưng ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa mà  người trồng chanh leo trên địa bàn huyện Mường Ảng đều chung “số phận” là phải tự bươn chải tìm mối tiêu thụ sản phẩm. Và giấc mơ làm giàu từ cây chanh leo của họ vẫn rất xa vời!

Có “đem con bỏ chợ”?

Mang những trăn trở của người trồng chanh leo trao đổi với ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, ông Hoàng cho biết: Hiện nay toàn huyện Mường Ảng có 30ha chanh leo, trong đó 7ha do người dân trồng tự phát từ trước, diện tích còn lại là trồng theo dự án dưới hình thức liên kết chuỗi giá trị. Hiện tại Phòng đang thành lập tổ thu gom sản phẩm tại các xã, bản để Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc thuận lợi hơn trong việc thu mua sản phẩm.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện: Mường Ảng,Tuần Giáo, Ðiện Biên ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc về việc hợp tác phát triển vùng nguyên liệu chanh leo và một số cây ăn quả. Ảnh: Diệp Xuân

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được người trồng chanh leo cho biết: Vụ chanh leo đã bắt đầu từ tháng 8 nhưng đến nay họ vẫn chưa bán được chanh cho đơn vị bao tiêu sản phẩm, và cũng chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đứng ra thu gom sản phẩm.

Ðược biết, thực hiện chương trình hợp tác phát triển diện tích trồng cây chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện (Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo) với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc thì công ty này đã cam kết cung ứng giống chanh leo đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phù hợp với thị trường; hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc, thu hoạch; thu mua 100% sản phẩm quả đảm bảo quy cách, chất lượng do người dân trồng, chăm sóc trên diện tích 2 bên cùng thống nhất. Phía công ty thu mua theo giá thị trường, khi thị trường tiêu thụ kém, Công ty sẽ thu mua theo giá bảo hiểm 4.500 đồng/kg (đối với tất cả các loại quả tại nhà máy). Tùy từng chính sách thu mua sẽ có những quy định phân loại và giá cả cụ thể cho từng loại sản phẩm.

Cam kết cụ thể, rõ ràng là thế nhưng những gì đã và đang xảy ra tại vùng trồng chanh leo theo chương trình liên kết này ở Mường Ảng lại hoàn toàn ngược lại. Người trồng chanh leo bỏ bao tâm huyết, công sức trồng, chăm sóc đến nay lại cặm cụi thu hái để bán lẻ từng cân, thậm chí là để quả làm phân bón trong nỗi xót xa.

Khó khăn “đầu ra” cho sản phẩm chanh leo của dự án liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc ở Mường Ảng mới là khởi đầu không suôn sẻ. Nếu không sớm được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng tới lộ trình trồng hàng trăm héc ta chanh leo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tú Anh

Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn

Các tin tức khác:
  • Điện Biên Đông tổ chức Hội thi giao lưu "Tiếng Việt của chúng em" cho học sinh dân tộc thiểu số năm học 2024 - 2025. (23/12/2024 )
  • Huyện Điện Biên Đông đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) (23/12/2024 )
  • Kỳ họp thứ 17, HĐND huyện Điện Biên Đông khóa VI- đồng chí Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thăm và tặng quà hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (23/12/2024 )
  • Quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung Ương, của Tỉnh Ủy về tổng kết thực hiện nghị quyết số 18 (19/12/2024 )
  • Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2024 (12/12/2024 )
  • Tập huấn công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2024 (12/12/2024 )
  • Tổ chức lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng năm 2024 (12/12/2024 )
  • Tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024 (10/12/2024 )
  • Điện Biên Đông đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết chuyên đề (10/12/2024 )
  • Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên Đông tổ chức Toạ đàm Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1998 – 06/12/2024) và Tổng kết công tác Hội năm 2024 (10/12/2024 )
  • Trang:
    1-10 of 2122<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang