Nông dân huyện Điện Biên Đông tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa Đông xuân năm 2024
Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa Đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến làm đòng. Đây là thời điểm lúa rất mẫn cảm với các đối tượng dịch bệnh gây hại. Do đó, cùng với việc chăm sóc, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả
Hiện nay, các trà lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện đang phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến làm đòng. Tuy nhiên, do thời tiết âm u, nắng mưa xen kẽ những ngày qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ trên các giống lúa tại xã Tìa Dình, Nong U; bệnh đốm nâu, tuyến trùng rễ, nghẹt rễ, rầy nâu gây hại rải rác tại các xã Na Son, Thị Trấn, Luân Giói, Chiềng Sơ…. Dó đó, để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế mức độ thiệt hại do sâu bệnh, dịch hại gây ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử viên chức phụ trách xã thường xuyên thăm đồng, kiểm tra đánh giá mức độ sâu bệnh gây hại ở từng chân ruộng, qua đó phối hợp với các địa phương thông báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc lúa và phun phòng, trừ kịp thời, hiệu quả các đối tượng sây bệnh gây hại khi đến ngưỡng phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng. Những ruộng đã bị bệnh đạo ôn cần đảm bảo mặt ruộng luôn duy trì mực nước 2-3 cm, ngừng ngay việc bón đạm, không phun phân bón lá và kích thích sinh trưởng, chỉ được chăm bón sau khi bệnh đã dừng hẳn. Đồng thời, sử dụng một trong các loại thuốc có hiệu quả cao để phun phòng và trừ bệnh đạo ôn như: Fuji- Difusan 40EC, Fuji-One 40EC, Filia 525SE, ... Nếu bệnh không dừng, tiếp tục phun kép lần 2 (sau phun lần 1 từ 5-7 ngày, luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun); chỉ phun khi lá lúa đã khô sương và phun ướt đẫm lá lúa. Đối với chân ruộng bị rầy gây hại cần tiến hành phun trừ khi mật độ rầy trên 1000 con/m2 và sử dụng các loại thuốc sau: Actara 25WP, Chess 500WG, Bassa 50EC,... Đối với chân ruộng bị bệnh tuyến trùng rễ cần cho nước vào ruộng để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng, đối với trường hợp bị hại nặng cần làm cỏ sục bùn và sử dụng vôi bột để bón, liều lượng bón từ 20-30kg/1.000m2. Đối với chân ruộng bị bệnh nghẹt rễkhông bón phân đạm, tiến hành tháo cạn nước bón thêm 10-15kg vôi bột + 10-15kg supe lân/1.000m2, kết hợp với làm cỏ sục bùn, ruộng hại nặng nên kết hợp sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như: XO siêu lân... giúp cây lúa phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.
Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 4, sẽ xuất hiện những trận mưa giông, gió lớn, nhiệt độ tăng dần và xuất hiện các đợt nắng nóng xen kẽ mưa rào rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục gây hại, đặc biệt sẽ gây hại nặng trên các ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, thiếu nước, gieo cấy các giống nhiễm như: ADI 168, Nếp, Dự hương 8, Bắc thơm số 7... và có khả năng gây cháy ổ cục bộ nếu không được phòng trừ kịp thời... Vì vậy, ngoài việc chăm sóc, đảm bảo điều tiết nguồn nước tưới dưỡng hợp lý cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo các địa phương không chủ quan, lơ là, phải thường xuyên thăm đồng để điều tra, dự tính dự báo các đối tượng dịch hại chính trên cây lúa để hướng dẫn bà con có biện xử lý kịp thời ngay khi sâu bệnh xuất hiện ở ngưỡng phun phòng, nhằm bảo vệ cây lúa phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực toàn huyện trong năm 2024./.
Nguồn tin: Dương Mai