Nước mắt từ rừng, nước mắt từ biển…
(Dân trí). Nắng hạn, cháy rừng, người dân xứ miền Trung đang vắt kiệt sức dưới cái nắng 40 độ C. Trong khi đó, nơi cửa biển, bao nhiêu ngư dân đang ngóng trông 9 thuyền viên vẫn đang mất tích. Chỉ trong mấy ngày, nước mắt từ rừng, nước mắt từ biển như bào mòn đến kiệt sức con người.
Từ cuối tháng 3 tới nay, Nghệ An đã phải trải qua 7 đợt nắng nóng, có đợt nắng kéo dài đến 28 ngày. 28 ngày không có một giọt mưa đã khiến xứ Nghệ quay cuồng trong hạn hán. Ruộng đồng và con người đều khát nước. Cháy rừng xảy ra khắp nơi. Có ngày toàn tỉnh xảy ra đến 6 vụ cháy rừng!
Ở Hà Tĩnh, từ 28/6 đến nay, người dân vắt kiệt sức để dập lửa cứu rừng. Lửa thiêu rụi ngàn thông Hồng Lĩnh. Lửa cháy sang Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kỳ Anh.... Con người quắt queo dưới nắng, dưới lửa để giữ rừng.
Giọt mồ hôi mặn chát. Giọt nước mắt còn mặn hơn cả muối. Những khuôn mặt lo âu, những đôi mắt thâm quầng, trĩu nặng, những gò má sạm khói và tro bụi...
Hàng vạn con người cần mẫn chiến đấu với giặc lửa bằng tay không hay bằng bất kỳ vật dụng nào có được. Nóng từ lửa, nóng từ mặt trời, nóng từ lòng người đốt ra. Cái nóng khủng khiếp giữa mùa hè quần quật gió Lào và những lo âu bởi không nhanh tay chạy đua với trời, rừng sẽ cháy hết. Cái nóng và cả mưa lũ trong thời gian tới sẽ khủng khiếp hơn khi lá phổi xanh cứ bị lửa ngoạm từng mảng, từng mảng…
Đã có người ngã xuống trong cuộc chiến giữ rừng trước giặc lửa. Tôi đồ rằng, người phụ nữ ấy đã phải vật lộn, quằn quại trong cái nóng khủng khiếp từ đám cháy cho đến khi gục xuống, bị đốt thành than.
Xã hội rơi nước mắt trước cái chết của một người phụ nữ vật lộn giữ rừng! Và nếu chúng ta không thức tỉnh, không có trách nhiệm hơn với rừng, nước mắt và nỗi đau, thậm chí cả cái chết vẫn sẽ tiếp diễn…
Trong khi cả ngàn người đang chống chọi với giặc lửa để cứu rừng thì ở phía biển, 9 người con của làng chài nhỏ Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang nằm đâu đó ở ngoài biển khơi. Một người được xác định tử vong, được đưa về quê nhà an táng. 9 người còn lại liệu còn có cơ hội trở về khi đã 4 ngày trôi qua? Nhiều người trong số họ - những ngư dân hiền lành bám biển mưu sinh là anh em, là cha con…
10 sinh mạng, đó không phải là thiên tai. Họ sống bám biển, chết vùi trong biển ngay giữa khi sóng êm biển lặng. Họ va chạm với tàu khác hay bị tàu đâm khi đang neo đậu, ngủ vùi sau một đêm thức trắng để đánh cá? Vẫn chưa có kết luận từ cơ quan chức năng nhưng cái chết là có thật, và nỗi đau cũng rất thật. Nỗi đau của những góa phụ làng chài, nỗi đau của những đứa trẻ làng chài bỗng nhiên mất chồng, mất cha rõ mồn một, buốt nhói đến tâm can và không biết bao giờ mới lành sẹo…
Bão bùng, nắng lửa, khó khăn đã hun đúc nên tính cách của con người miền Trung. Sau khi đám lửa rừng được dập tắt, từ những đống tro bụi kia sẽ mọc lên những mầm xanh mới. Ngày mai, từng đoàn thuyền vẫn dong buồm ra khơi đánh cá, những ngư dân lại biến mình thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền trên biển.
Những người con miền Trung kiên cường bước đi trong đau thương mất mát; dẫu trong từng bước đi, những giọt nước mắt vẫn rơi, từ rừng và từ biển!
Nguồn tin: Hoàng Lam - Báo Dân trí