Tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp bền vững
ĐBP - Sau gần 4 năm triển khai Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, kinh tế nông nghiệp tỉnh ta từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nông dân từng bước được nâng cao.
Liên kết sản xuất
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một “mắt xích” quan trọng trong thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo cơ sở để các địa phương xây dựng chuỗi liên kết, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi “Sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm” giữa HTX nông nghiệp, người dân, doanh nghiệp được hình thành và phát triển; các hộ sản xuất nhỏ lẻ đã liên kết, hợp tác, thành lập các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, câu lạc bộ chăn nuôi, trồng trọt.
Ðến nay, toàn tỉnh có 18 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các chuỗi liên kết này đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từng bước khẳng định được thương hiệu nông sản Ðiện Biên trên thị trường và mở rộng quy mô. Dự kiến đến năm 2020, số lượng chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ tăng lên đáng kể khi các chuỗi liên kết trồng cây ăn quả qua giai đoạn kiến thiết bước vào giai đoạn cho thu hoạch.
Bên cạnh tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như: Lúa gạo, chè, cà phê... hiện nay tỉnh ta chú trọng phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả theo các chuỗi liên kết từ khâu cung ứng giống đến sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Ðến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ đạt 500ha; phát triển diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 - 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam ở các huyện: Ðiện Biên (100ha), Mường Ảng (300ha), Tuần Giáo (100ha) và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chanh leo là loại cây được các địa phương phát triển, mở rộng diện tích và đưa vào các chuỗi liên kết sản xuất khoảng 1 - 2 năm gần đây. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích cây chanh leo 66,2ha; trong đó, Tuần Giáo 28ha, Mường Ảng 32ha, Ðiện Biên 6ha và Nậm Pồ 0,2ha. Diện tích cho thu hoạch là 11,1ha, năng suất ước đạt trên 131 tạ/ha, sản lượng 145,5 tấn. Ðây là một trong số các loại cây ăn quả có tiềm năng phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Dự kiến, năm 2019 toàn tỉnh sẽ mở rộng thêm 61ha cây chanh leo tại các huyện: Mường Ảng (32ha), Tuần Giáo (23ha) và Ðiện Biên (6ha). Sau đó, tiếp tục đánh giá nhân rộng với quy mô đạt khoảng 100 - 150ha vào năm 2020; đến năm 2025 mở rộng diện tích khoảng 300ha. Ðể phát triển cây chanh leo theo hướng bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc về việc hợp tác phát triển diện tích trồng cây chanh leo trên địa bàn. Theo đó, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cam kết cung ứng giống chanh leo đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm; cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong quá trình quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch; cam kết thu mua 100% sản phẩm hàng hóa. Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Mường Ảng là địa bàn trọng điểm phát triển cây chanh leo của tỉnh. Ðến nay, toàn huyện đã trồng được 30ha; phấn đấu đến năm 2020 mở rộng lên 100ha trồng chanh leo; 100% các dự án phát triển cây chanh leo đều được triển khai theo chuỗi liên kết. Ngày 4/10/2019, UBND huyện Mường Ảng đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đối với sản phẩm chanh leo.
Chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp địa phương
Tại hội nghị “Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ðiện Biên năm 2019”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến nhấn mạnh: “Chương trình OCOP là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng mục tiêu trong đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Ðề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch”.
Thực hiện Chương trình OCOP, các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm trong các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng để xây dựng và phát triển thành thương hiệu. Năm 2019, UBND tỉnh lựa chọn xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình OCOP. Ông Trần Văn Hòa, Phó phòng Quản lý kinh tế nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mặc dù tỉnh ta triển khai Chương trình OCOP muộn hơn so với cả nước nhưng với sự tập trung cao độ, các địa phương đã xây dựng được các nhóm sản phẩm để tham dự xét duyệt sản phẩm OCOP năm 2019. Ðến nay, đã có khoảng 25 sản phẩm đăng ký xét duyệt năm 2019, như: Chè Tủa Chùa; cà phê Hồng Kỳ (Tuần Giáo); cà phê Mường Ảng; đông trùng hạ thảo; thịt khô, rượu sơn tra, rượu chuối (TP. Ðiện Biên Phủ), gạo chất lượng cao, mật ong (huyện Ðiện Biên)... Với mỗi thương hiệu, các chủ thể phát triển từ 1- 4 sản phẩm để xét duyệt. Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 21 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Với các lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội, huyện Ðiện Biên đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Gạo chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả… được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh. Huyện cũng có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hàng nghìn con. Bên cạnh các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, huyện có những sản phẩm đặc trưng như: Dệt thổ cẩm, sản phẩm mây tre đan được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ðây đều là những sản phẩm thuộc danh sách xây dựng sản phẩm OCOP của UBND huyện Ðiện Biên. Năm 2019, huyện Ðiện Biên ưu tiên những sản phẩm thế mạnh, đã có chuỗi liên kết sản xuất là lúa gạo chất lượng cao tại các cơ sở: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé và Công ty TNHH thực phẩm Safe Green. Mỗi đơn vị sẽ đăng ký 2 - 3 sản phẩm gạo để xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn