Thực hiện các tiêu chí “khó” trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian đăng: 6/29/2022 9:32:37 AM

ĐBP - Những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số xã đạt chuẩn NTM ngày càng tăng, từng bước xây dựng xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình xây dựng NTM, một số tiêu chí đã và đang gây nhiều khó khăn, khiến tốc độ “về đích” của các xã đang bị chậm lại.

Phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong ảnh: Người dân xã Pom Lót (huyện Điện Biên) chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả để tăng thu nhập.

Đến hết quý I/2022, toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, được UBND tỉnh công nhận (trong đó có 21 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí và 23 xã cơ bản đạt chuẩn NTM đạt từ 15 - 18 tiêu chí), chiếm 38,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đạt 13/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Thực hiện xây dựng NTM cấp thôn, bản, đến nay toàn tỉnh đã công nhận 83 thôn, bản trong đó: 34 “Thôn, bản nông thôn kiểu mẫu” và 49 “Thôn, bản NTM”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, xuất phát điểm thấp; cơ sở hạ tầng thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách Nhà nước. Quá trình triển khai thực hiện cho thấy, trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu rất khó thực hiện đối với các xã vùng cao, biên giới.

Thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng đây cũng là tiêu chí khó nhất đối với các xã trên địa bàn. Mặc dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tích cực, song đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn không đạt chuẩn tiêu chí thu nhập như lộ trình đã đề ra. Đáng chú ý là gần như 100% xã cơ bản đạt chuẩn đều chưa hoàn thành được tiêu chí thu nhập. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 20,5 triệu đồng/người/năm. Thực tế tại nhiều xã, mức thu nhập chỉ đạt 10 - 11 triệu đồng/người/năm, cá biệt có xã còn đạt thấp hơn nữa. Trong khi đó, quy định mức thu nhập đạt chuẩn NTM năm 2021 là 36 triệu đồng/người/năm; năm 2022 là 39 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 là 48 triệu đồng/người/năm. Thu nhập thấp, cuộc sống người dân khó khăn kéo theo tỷ lệ hộ nghèo cao khiến quá trình xây dựng NTM càng khó khăn.

Để nâng cao thu nhập, giảm nhèo nhanh và bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập; mở ra nhiều hướng phát triển sinh kế mới cho người dân. Điển hình như, hiện nay, toàn tỉnh đã có 11 dự án trồng mắc ca của 10 doanh nghiệp - nhà đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng 71.415ha, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng. Các dự án trồng mắc ca triển khai tại các xã đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với mức lương ổn định 6,5 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho hàng nghìn lao động với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển nông nghiệp của tỉnh, hàng năm, các địa phương đã xây dựng hàng chục dự án, mô hình hỗ trợ cây con giống giúp người dân phát triển sinh kế, tăng thu nhập.

Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, mở ra cơ hội hội nhập và phát triển mạnh mẽ cho địa phương. Điển hình là Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên và trên 10 dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Các dự án đã thu hút được hàng nghìn lao động từ các xã tham gia làm việc góp phần giúp các địa phương giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm cũng là tiêu chí khó thực hiện của rất nhiều xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tiêu chí về môi trường, hiện nay, các xã đã và đang tập trung phát huy tinh thần nêu gương, tiên phong của đảng viên; sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức hội, đoàn thể chính trị xã hội để xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường như: Làn nhựa đi chợ; ngôi nhà xanh; sọt rác gia đình; đường làng, ngõ xóm “xanh - sạch - đẹp”... Các thôn bản vận động các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, xây dựng chuồng trại xa khu dân cư. Các xã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung, nâng tỷ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt. Ngoài ra, các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, các công trình nước sinh hoạt...

Đây chỉ là 2 trong số các tiêu chí “khó” đang được các xã xây dựng NTM trên địa bàn tập trung thực hiện. Với phương châm “Xây dựng NTM là không có điểm kết thúc”, hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo các xã tập trung, quyết liệt thực hiện các tiêu chí NTM, trong đó, ưu tiêu thực hiện các mô hình, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả. Với sự nỗ lực, quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM trên địa bàn toàn tỉnh lên 52 xã.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/

  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang