Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 tại huyện Điện Biên Đông
Trong hai ngày 23 và 24/9/2024, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 tại huyện Điện Biên Đông. Tham gia làm việc với đoàn giám sát có đ/c Bùi Ngọc La – PBT, Chủ tịch UBND huyện, Đ/c Ngô Văn Thanh – Phó Chủ tịch HĐND huyện.
Trước khi làm việc với UBND huyện về kết quả thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, đoàn giám sát thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát, kiểm tra một số mô hình, dự án nằm trong các tiểu dự án thành phần của chương trình mục tiêu quốc gia tại hai xã Pu Nhi và Mường Luân.
Theo đó, tại xã Pu Nhi, đoàn giám sát đã thăm hai mô hình trồng cây mắc ca và cây lê, khảo sát dự án xây dựng Chợ Pu Nhi và trường THCS xã Pu Nhi. Làm việc với UBND xã, cho thấy: Giai đoạn 2021 - 2025, xã Pú Nhi được giao hơn 8 tỷ đồng thực hiện các chương trình MTQG. Đến nay xã Pú Nhi cơ bản đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 28 triệu đồng/người tăng 6 triệu đồng so với năm 2021. Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 59,6% năm 2021 xuống còn 48,4% (năm 2023), bình quân giảm 5,2%/năm.
Tại xã Mường Luân, đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế mô hình nuôi bò lại bản Mường Luân 2, mô hình trồng Nhãn chín muộn tại bản Na Sản. Theo báo cáo của UBND xã, trong 2021 - 2025, xã Mường Luân được giao gần 4 tỷ đồng thực hiện các chương trình MTQG. Kết quả, đến nay xã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,8% năm 2021 xuống còn 17% năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,8 triệu đồng/người/năm, tăng 11,7 triệu đồng so với năm 2021. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số về y tế, giáo dục, văn hóa, đào tạo nghề… được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Qua giám sát nhận thấy trong thực hiện các chương trình MTQG, xã Pú Nhi và Mường Luân còn lúng túng trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi hỗ trợ; công tác giải ngân nguồn vốn các tiểu dự án chưa đạt; tỷ lệ hộ nghèo cao, công tác giảm nghèo chưa bền vững; còn sự trùng lắp các nội dung hỗ trợ thuộc các chương trình MTQG; một số dự án, tiểu dự án của chương trình giảm nghèo chưa triển khai thực hiện được.
Đồng chí Giàng Thị Hoa đề nghị xã Pú Nhi, Mường Luân cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Làm tốt, nhân rộng các mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế lâu dài cho người dân, nhất là chú trọng triển khai các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Rà soát lại việc hỗ trợ đối với các dự án hỗ trợ làm nhà ở; rà soát lại số liệu, nội dung việc thực hiện đối ứng đối với các nội dung hỗ trợ phải đối ứng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nhất là đối với nguồn vốn kéo dài.
Làm việc với UBND huyện Điện Biên Đông về thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 cho thấy: Trong giai đoạn này, huyện Điện Biên Đông được giao gần 635 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 196 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2024 mới đạt 29,4%. Kết quả giảm nghèo toàn huyện từ 53,20% năm 2021 xuống còn 41,58% năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 30,25 triệu đồng/người, tăng 10,85 triệu đồng/người so với năm 2021. Đến nay trên địa bàn huyện có 5 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 13,9 tiêu chí/xã, tăng bình quân 2,1 tiêu chí/xã.
Bên cạnh kết quả đạt được, huyện Điện Biên Đông còn những hạn chế, như: Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn rất thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Công tác triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế. Một số dự án được phân bổ vốn chưa hợp lý, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương. Toàn huyện có 215 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, 2.685 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, song trên địa bàn huyện không còn quỹ đất để tạo mặt bằng. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) của huyện còn cao; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đạt 1,94%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch quy mô hộ gia đình đạt 10,36%.
Tại buổi làm việc , Huyện Điện Biên Đông đã đề xuất nhiều kiến nghị với đoàn giám sát của HĐND tỉnh như: Đề nghị gộp các dự án, tiểu dự án thành phần có nội dung trùng lặp giữa Chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp dẫn đến việc bố trí vốn không hợp lí, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Huyện cũng kiến nghị cần xem xét giảm chỉ tiêu cho các tiêu chí như: thu nhập, nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để phù hợp với huyện vùng cao. Cho phép địa phương triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng được mua con giống, hàng hóa, dịch vụ của người dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn mà không phải áp dụng Luật Chăn nuôi, Luật Thú y…
Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện, Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện Điện Biên Đông tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn. Rà soát, kiểm tra việc hỗ trợ vốn đối ứng làm nhà cho người dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Triển khai các giải pháp hiệu quả giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Tập trung hỗ trợ, giao phòng, ban chuyên môn giúp người dân hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cần nghiên cứu kỹ các quy định, hướng dẫn; những nội dung vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, tổng hợp báo cáo tỉnh. Đối với các kiến nghị của huyện, đoàn giám sát sẽ tiếp thu, đề xuất các cấp, ngành có phương án tháo gỡ trong thời gian tới./.
Nguồn tin: Lương Vĩnh - huyện Điện Biên Đông