Chủ động ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”

Thời gian đăng: 22/06/2022 09:46:29 AM

ĐBP - Theo đánh giá của Công an tỉnh, hoạt động của tội phạm liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi; trong đó, nổi lên chủ yếu là hoạt động cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, thông qua hình thức vay bằng các ứng dụng trên điện thoại di động (vay qua app).

Các đối tượng thường sử dụng không gian mạng giới thiệu cho vay với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng. Từ đó người dân tin tưởng cung cấp thông tin cá nhân để vay tiền qua app. Sau khi không trả đúng hạn, các đối tượng giới thiệu sang các app mới khác để vay tiền trả cho app đã vay trước đó, từ đó lãi suất tăng lên từng ngày. Các nạn nhân sau khi mắc bẫy sẽ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, nếu không trả sẽ bị các đối tượng dùng sim điện thoại rác (sim không chính chủ) gọi điện uy hiếp, khủng bố tinh thần, thậm chí bị hành hung, đe dọa tính mạng của bản thân và gia đình. Nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm... để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.

Công an phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo chính xác diễn biến, hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó, kịp thời tham mưu kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này. Lực lượng công an thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Nội dung tuyên truyền phải đi trước một bước, dự báo, cảnh báo tình hình, phương thức thủ đoạn mới về hoạt động này có thể xảy ra trên địa bàn, gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Cùng với đó, làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm “tín dụng đen” như: Cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc nào liên quan đến tội phạm “tín dụng đen” trên môi trường mạng. Liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói chung, từ tháng 4/2019 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 25 vụ, với 31 bị can về các hành vi liên quan. Khởi tố 14 vụ án, 19 bị can; xử lý hành chính 10 vụ, 11 đối tượng; tịch thu xử phạt sung công quỹ hơn 3,7 tỷ đồng. Điển hình là ngày 25//5/2022, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phá thành công Chuyên án 522H, bắt đối tượng Trần Ngọc Hùng  (SN 1990, trú tại tổ 1 xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Qua điều tra, xác minh, số tiền đối tượng Hùng dùng để cho vay hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng.

Theo nhận định của Công an tỉnh, thời gian tới tình hình hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để quảng cáo, giới thiệu cho vay tài chính có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng công an tăng cường công tác dự báo tình hình, phát hiện, điều tra làm rõ các vụ việc, sự việc có dấu hiệu liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn nhằm hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân cần cảnh giác, chủ động phòng tránh, không biến mình trở thành nạn nhân của các đối tượng cho vay lãi nặng. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân cần liên hệ với các địa chỉ có nguồn vốn chính thống, như hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, hoặc các chương trình hỗ trợ người nghèo từ các tổ chức xã hội. Trong trường hợp bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho cơ quan công an và các cơ quan chức năng nhằm làm cơ sở xử lý.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/

  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang