Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên Đông đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu làm theo lời Bác” của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát động, trong những năm qua, phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” các cấp Hội cựu chiến binh huyện Điện Biên Đông đã nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu đổi mới, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu làm theo lời Bác” của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phát động, trong những năm qua, phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” các cấp Hội cựu chiến binh huyện Điện Biên Đông đã nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu đổi mới, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên.
Hiện nay, Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên Đông có gần 2 nghìn hội viên, sinh hoạt ở 14 xã, thị trấn và Dân chính Đảng huyện (hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 83%). Là một huyện nghèo, đời sống của hội viên CCB gặp không ít khó khăn, thiếu công ăn việc làm, tỷ lệ CCB đói nghèo còn cao. Từ những khó khăn chung của địa phương, Hội CCB huyện nhận thức sâu sắc rằng: “Trước họng súng của kẻ thù trên các mặt trận chiến đấu chống quân xâm lược người lính chúng ta không chịu khuất phục, đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng một cách oanh liệt thì không có cớ gì trên mặt trận xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà Cựu chiến binh chúng ta lại chịu cảnh túng thiếu đói nghèo ?”. Làm thế nào để nâng cao đời sống cho hội viên Cựu chiến binh ? Ban Chấp hành Hội luôn trăn trở, tìm hướng đi mới. Hội đã phát động phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và được hội viên nhiệt tình hưởng ứng.
Để tạo bước đột phá, Hội đã tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, hội viên; thường xuyên quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như những định hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; gắn kết hội viên với tổ chức Hội bằng cách vận động, động viên cán bộ, hội viên tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh các hoạt động tương thân, tương trợ, nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, quyết tâm vượt khó đi lên, làm giàu chính đáng nhằm nâng cao đời sống.
Mô hình làm kinh tế gia đình Hội CCB xã Luân Giói
Song song với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho Hội viên, Ban Thường vụ Hội xuống cơ sở trực tiếp làm việc với cấp ủy Đảng ở các xã, thị trấn để phối hợp giám sát hoạt động của các tổ chức hội và năng lực cán bộ hội cơ sở nhằm nâng cao về trình độ cho cán bộ hội và hoạt động có nề nếp. Hàng quý tổ chức giao ban cụm nhằm thảo luận, rút kinh nghiệm hoạt động Hội của các cơ sở, đồng thời tổ chức tham quan một số mô hình trang trại phát triển kinh tế của Hội viên CCB và một số gia đình Hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để giúp cho hội viên có vốn sản xuất, kinh doanh, Hội CCB huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban xóa đói giảm nghèo huyện nhận hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Tính đến ngày 15/12/2017 Hội CCB huyện quản lý 61 tổ TK&VV = 2.117 hộ (trong đó Sổ Tổ TK&VV do CCB làm tổ trưởng: 19 tổ = 648 hộ).Tổng số tiền được ủy thác qua Hội CCB là 51.912 triệu đồng, trong đó nợ quá hạn 353 triệu đồng, chiếm 0,62%. Hội viên được vay đều quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
Hội đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên là người dân tộc thiểu số thay đổi những tập quán canh tác cũ, lạc hậu… Do đó, năng lực sản xuất, việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất của hội viên có những chuyển biến tích cực. Nhiều hội viên trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, biết áp dụng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nổi bật là các mô hình kinh tế trang trại như: Đào ao nuôi cá, trồng các loại cây ăn quả và các dịch vụ kinh doanh khác… nhiều hội viên CCB trước đây túng thiếu, phải lo cái ăn từng ngày, nhờ vay vốn chính sách giờ kinh tế của gia đình cũng khá, đã có của ăn, của để, con cái cũng được học hành đến nơi đến chốn; nhiều hội viên làm kinh tế giỏi đã tham gia, giúp đỡ nhiều hội viên khác vươn lên làm giàu, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trong những năm qua, mặc dù có nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến việc tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế của hội viên CCB và nhân dân trên địa bàn huyện. Song hội viên CCB huyện đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, vượt khó đi lên, làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, trang trại trồng trọt và chăn nuôi được hình thành và đem lại hiệu quả kinh tế khá; nhiều gia đình hội viên có đời sống ổn định, góp phần vào việc đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo của huyện. Hiện nay Hội CCB trong huyện có 03 Hợp tác xã nhỏ, với mức thu nhập từ 300- 500 triệu đồng/năm; 02 Doanh nghiệp với mức thu nhập từ 1 tỷ - 1,5 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã thu hút và tạo việc làm cho hơn hai trăm lao động trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 68 gia trại có thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/năm; có 831 ao nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 97,3 ha. Số lượng đàn gia súc là: 7.422 con, đàn gia cầm 23.495
Hội CCB huyện đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu làm theo lời Bác”, vận động cán bộ, hội viên gương mẫu đi đầu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Chỉ tiêu mỗi Chi hội đăng kí một mô hình hay, một cách làm sáng tạo; mỗi hội viên đăng kí một việc làm tốt. Thực hiện vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc hiến kế, hiến công, hiến đất và tuyên truyền vận động nhân dân cùng tích cực tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần làm cho bộ mặt thôn bản, tổ dân cư có nhiều khởi sắc.
Ban Thường vụ Hội xuống cơ sở trực tiếp làm việc với cấp ủy Đảng ở các xã, thị trấn để phối hợp giám sát hoạt động của các tổ chức hội và năng lực cán bộ hội cơ sở nhằm nâng cao về trình độ cho cán bộ hội và hoạt động có nề nếp. Hàng quý Hội đã tổ chức kiểm tra, giám sát kết hợp giao ban cụm. Các Hội nghị giao ban đã thảo luận, rút kinh nghiệm hoạt động Hội của các cơ sở trong cụm, đồng thời tổ chức tham quan một số mô hình trang trại phát triển kinh tế của Hội viên CCB và một số gia đình Hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội CCB trong toàn huyện đã tập trung đẩy mạnh nhiều nội dung như: Từ năm 2013 đến nay Hội phối hợp với các ban, ngành tổ chức 12 lớp tập huấn công tác xoá đói, giảm nghèo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 265 lượt cán bộ, hội viên; tập huấn nâng cao kiến thức vay vốn: 13 lớp với 260 Hội viên tham gia; tập huấn khuyến nông, khuyến lâm: 8 lớp với 130 Hội viên tham gia; tập huấn nâng cao kiến thức quản lý kinh tế: 04 lớp với 26 Hội viên tham gia.
Hội CCB huyện Điện Biên Đông giao ban Cụm, học tập kinh nghiệm mô hình VAC tại xã Pú Hồng
Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn tạp, đất bạc màu và thực hiện các mô hình kinh tế điểm, hướng nhận thức của hội viên từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Là địa phương miền núi, cấp Hội cơ sở dựa trên lợi thế của từng địa phương khuyến khích các gia đình hội viên phát huy thế mạnh của đồi, rừng để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, cải tạo cơ cấu chọn cây trồng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Hội đã phát động các Chi hội gây quỹ, đến nay đã có có 85/159 Chi hội xây dựng được quỹ để hoạt động. Qua nguồn quỹ đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại VAC, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều loại cây trồng cho thu nhập cao… đưa kinh tế gia đình ngày càng ổn định, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu. Được các tổ chức xã hội, từ thiện trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ295 triệu đồng cho 22 gia đình hội viên còn khó khăn về nhà ở. Trong 5 năm, toàn Hội đã xóa 159 hộ thoát nghèo, 268 nhà tạm; các cơ sở Hội: Keo Lôm, Pu Nhi, Pú Hồng, Phì Nhừ, Phình Giàng, Nong U và Hội CCB Thị Trấn cơ bản đã xóa hết nhà tạm, hộ đói tại các cơ sở Hội hầu như không còn, số hộ nghèo giảm còn 17,8%.
Năm 2017, các cấp Hội trong huyện đã chỉ đạo, tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022. Lãnh đạo Hội CCB tỉnh Điện Biên và Thường trực Huyện ủy Điện Biên Đông đánh giá rất cao và biểu dương sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên CCB các cấp trong công tác xây dựng Hội và tinh thần tương trợ của đồng chí đồng đội, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong 5 năm liên tục Hội CCB huyện đều được công nhận cơ quan văn hóa, 4 năm liền là tập thể Lao động xuất sắc, được UBND tỉnh Điện Biên và Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen cho 06 tập thể và 05 cá nhân; Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 08 cá nhân; nhiều tập thể, cá nhân được UBND huyện, các cấp, các ban ngành tặng giấy khen. Phong trào thi đua Cựu chiến binh gương mẫu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thực sự là động lực để Hội CCB huyện Điện Biên Đông hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Trong thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tiếp tục Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/201 của Bộ Chính trị; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng Hội vững mạnh toàn diện; phối hợp với ngành chức năng khai thác và sử dụng tốt các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước vào sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình cho các hội viên.
Ngọc Minh – Hội CCB huyện
Nguồn tin: