Đảm bảo nguồn lao động cho dự án mắc ca

Thời gian đăng: 8/24/2022 1:55:20 PM

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca với quy mô 85.815ha. Có dự án chuẩn bị qua giai đoạn kiến thiết bước vào thu hoạch bói. Diện tích thực hiện lớn, tại nhiều địa bàn trong tỉnh nên các dự án mắc ca có nhu cầu lao động rất lớn. Chính vì vậy, cùng với việc tạo điều kiện về mặt thủ tục, chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực tuyên truyền, vận động lực lượng lao động tham gia làm việc, đảm bảo nguồn lao động cho các dự án trồng mắc ca trên địa bàn.

Lao động xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng chăm sóc vườn mắc ca của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên.

Huyện Tuần Giáo triển khai thực hiện các dự án trồng mắc ca từ năm 2015. Đến nay toàn huyện đã có trên 1.400ha cây mắc ca trên 5 năm tuổi và có trên 300ha đã chuẩn bị cho thu hoạch bói. Những năm qua, để chăm sóc tốt diện tích mắc ca hiện có, Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên đã ưu tiên tạo điều kiện, thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động của các xã vùng dự án. Hiện nay, Công ty đã tạo việc làm cho hơn 680 lao động, gồm 150 lao động thường xuyên và 530 lao động mùa vụ; 100% lao động thường xuyên và trên 60% lao động thời vụ là người dân 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang. 100% người lao động thường xuyên có việc làm và thu nhập ổn định; trong đó mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/tháng/lao động thường xuyên, 200 nghìn đồng/ngày/lao động thời vụ. Các chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động luôn được đảm bảo theo quy định chung của Nhà nước và các quy định riêng của Công ty.

Bà Lò Thị Thủy, Chủ nhiệm dự án Phát triển cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo, Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên cho biết: Diện tích triển khai dự án lớn, thời gian thực hiện lâu dài nên vấn đề đảm bảo nguồn lao động phục vụ dự án là rất quan trọng. Là đơn vị tiên phong trong trồng mắc ca nên việc thu hút lao động làm việc tại dự án từ trước đến nay khá thuận lợi. Công ty không chỉ thu hút lao động tại vùng dự án mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm thời vụ cho các địa phương lân cận như: Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên Đông. Tuy nhiên, hiện nay các huyện khác cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mắc ca, việc thu hút lao động thời vụ trở nên khó khăn hơn. Song Công ty sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các xã để thu hút lao động, đồng thời bổ sung các chế độ chính sách tốt hơn để người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Không thuận lợi như dự án ở huyện Tuần Giáo, dự án trồng mắc ca tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên) của Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên đang giai đoạn cao điểm đẩy nhanh tiến độ trồng cây song lại thiếu nguồn lao động. Ông Vì Văn Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên cho biết: Theo kế hoạch, năm 2022 dự án trồng 700ha. Để hoàn thành kế hoạch năm, Công ty cần tuyển thêm 200 - 300 lao động để trồng và chăm sóc vườn cây. Tuy nhiên nguồn lao động tại địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phu Luông và các xã lân cận thông báo nhu cầu tuyển dụng của công ty để người dân biết, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và giới thiệu lao động cho công ty. Nhất quyết không để xảy ra tình trạng dự án trên địa bàn nhưng nguồn lao động công ty lại tuyển từ địa bàn khác. Đến nay, nguồn lao động đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư dự án. Đối với các dự án đang khởi động trên địa bàn huyện, song song với công tác phối hợp, hoàn thiện thủ tục, cấp ủy, chính quyền cấp xã cần coi trọng công tác tuyên truyền, thu hút lao động làm việc cho các dự án mắc ca, đảm bảo đủ nguồn lao động, đáp ứng đúng mục tiêu, mục đích phát triển dự án mắc ca.

Anh Lò Văn Tuyến, bản Na Há, xã Phu Luông (huyện Điện Biên) cho biết: Tôi mới ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Điện Biên từ đầu tháng 6/2022. Điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ của công ty khá tốt. Hiện nay, nhiệm vụ chính của tôi là chăm sóc vườn cây đã trồng. Mức lương cho lao động mới vào như tôi khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) triển khai từ năm 2020. Đến nay đã trồng được 450/1.250ha. Hiện nay, đơn vị thực hiện dự án đã tuyển dụng khoảng 180 lao động, trong đó: Lao động thường xuyên 80 người và lao động thời vụ khoảng 100 người.

Ông Lò Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) cho biết: Mức lương từ 6 - 12 triệu đồng/tháng đối với lao động thường xuyên và 200.000 đồng/ngày với lao động thời vụ là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo tiêu chí không phải xa gia đình và phù hợp với chất lượng lao động tại địa phương. Do đó UBND xã luôn phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tuyên truyền, vận động, tổ chức tuyển dụng lao động. Hiện nay 100% lao động làm việc tại dự án là người dân xã Pu Nhi.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn tin: http://www.baodienbienphu.info.vn/

  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang