Minh bạch trong hoạt động từ thiện

Thời gian đăng: 11/10/2021 15:04:28 PM

Thời gian gần đây vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang nhận được quan tâm rất lớn của xã hội, bởi ngày càng có nhiều chương trình thiện nguyện tiếp nhận quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, nhưng trong vận hành hoạt động và tổ chức lại bộc lộ không ít bất cập.

Những năm gần đây, hoạt động từ thiện xã hội ở nước ta ngày càng lan tỏa rộng rãi và phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước giải quyết các khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương, vùng sâu, xa còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, các điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là trong hoàn cảnh bị thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài đóng góp bằng giá trị vật chất to lớn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hoạt động này còn góp phần truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đang nhận được quan tâm rất lớn của xã hội, bởi ngày càng có nhiều chương trình thiện nguyện tiếp nhận quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, nhưng trong vận hành hoạt động và tổ chức lại bộc lộ không ít bất cập.

Việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động tương thân tương ái thật sự phát huy hiệu quả trên thực tế.

Cách đây không lâu rất nhiều người dân đã bày tỏ thái độ không đồng tình trước việc một nghệ sĩ giữ hơn chục tỷ đồng do cộng đồng đóng góp giúp đỡ đồng bào miền trung gặp lũ lụt từ tháng 11/2020 nhưng sau hơn nửa năm tiền vẫn chưa được trao đến tay người nhận. Việc giữ số tiền trong suốt nhiều tháng, dù bất kỳ với lý do gì cũng khó có thể chấp nhận. Bởi khi đóng góp để làm từ thiện, cộng đồng còn trao gửi tình cảm, tấm lòng của mình.

Tùy khả năng của mỗi người, dù có thể chỉ vài chục, vài trăm nghìn hay hàng chục triệu đồng, nhưng gửi gắm trong đó nghĩa đồng bào, tình tương thân tương ái vô cùng quý giá của người Việt. Nhất là ở thời điểm cần thiết, sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng có thể giúp ích rất nhiều cho những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Khi trực tiếp nhận các khoản đóng góp, người đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện cũng đồng thời nhận trách nhiệm trước cộng đồng về việc làm của mình.

Tuy nhiên trên thực tế, việc minh bạch thông tin cũng như công khai các khoản thu chi của nhiều chương trình từ thiện lâu nay vẫn còn không ít bất cập. Sự việc ngày càng nóng lên khi một số hoạt động từ thiện do các cá nhân tổ chức bị dư luận có ý kiến về dấu hiệu khuất tất. Bởi sau khi nhận được tiền đóng góp từ xã hội, các thông tin họ cung cấp với công chúng thường chỉ là những bức ảnh có tính check-in cùng một số bài viết mang nội dung PR khá ồn ào. Trong khi thực chất hiệu quả của việc làm thiện nguyện đến đâu là điều dư luận quan tâm thì chưa được giải đáp thỏa đáng.

Chưa kể, vẫn còn tình trạng một số người cố tình lợi dụng hoạt động quyên góp từ thiện chỉ nhằm trục lợi, đánh bóng tên tuổi hoặc phục vụ cho mục đích, động cơ thiếu trong sáng, hoạt động tùy hứng, không có sự phối hợp với các địa phương có người dân cần được giúp đỡ, nguy cơ gây bất hòa, rạn nứt tình làng nghĩa xóm nơi họ đi qua.

Cần khẳng định việc tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức, tham gia hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ, ủng hộ người gặp khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam. Hoạt động thiện nguyện đã dần trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, diễn ra thường xuyên, liên tục, với nhiều cách thức đa dạng như: “Giấc mơ cho em” giúp các trẻ bị bệnh hiểm nghèo, “Cơm có thịt” giúp cải thiện bữa ăn trẻ em vùng sâu, vùng xa, “Chăn ấm” giúp trẻ em vùng cao vượt qua mùa đông giá lạnh, nồi cháo tình thương tại các bệnh viện, bữa ăn “0 đồng” giúp người có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ, các phong trào thiện nguyện lại được dấy lên mạnh mẽ, phát huy sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, từ các em nhỏ đến các cụ già, từ người Việt ở trong nước đến người Việt ở nước ngoài.

Gần đây nhất là sự tham gia hưởng ứng của cả cộng đồng, đóng góp sức người, sức của, giúp đỡ những người dân gặp khó khăn tại vùng tâm dịch và lực lượng chống dịch nơi tuyến đầu. Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân văn, ý nghĩa như vậy. Trên thực tế, nhiều chương trình đã tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc công khai minh bạch, thể hiện qua những việc như: thường xuyên cập nhật họ tên, địa chỉ và số tiền quyên góp của tổ chức, cá nhân; công khai mọi khoản chi tiêu; thông tin về việc chuyển các suất quà tới người nhận với danh sách, địa chỉ rõ ràng… Đây chính là cơ sở để cộng đồng cùng thể hiện trách nhiệm và thực hiện việc giám sát hoạt động từ thiện, tránh tình trạng chồng chéo, hay những việc làm mang tính hình thức.

Dù vậy, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện đã trở thành vấn đề nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận sau một số vụ việc tai tiếng, gây bức xúc gần đây của một số cá nhân khi thiếu bằng chứng khả tín về việc họ đã nhận tiền, thực hiện việc cứu trợ người gặp khó khăn như đã cam kết trước cộng đồng. Trước sức ép của dư luận, phản ứng của những cá nhân này rất khác nhau, và càng gây nghi vấn.

Thay vì trả lời rõ ràng kèm bằng chứng cụ thể, có người chỉ lên mạng xã hội hứa hẹn chung chung về việc sẽ công khai các khoản thu chi; người thì khóa tài khoản Facebook và im lặng; người phân bua, khóc lóc; người cho rằng bị vu khống; người lớn tiếng tự bênh vực nhưng không đưa ra bằng chứng cho thấy việc đã dùng số tiền quyên góp từ thiện vào những nội dung gì…

Đây rõ ràng không phải là cách làm việc chuyên nghiệp. Bởi về nguyên tắc, người tham gia các chương trình từ thiện có quyền yêu cầu giải ngân số tiền họ đã đóng góp, và người nhận tiền quyên góp phải có trách nhiệm giải trình, nhất là khi số tiền quá lớn thì việc giám sát, công khai tài chính là rất cần thiết. Thực tế trên cho thấy để hoạt động thiện nguyện thực chất và hiệu quả, xây dựng được niềm tin vững chắc trong cộng đồng thì yêu cầu về tính minh bạch cần phải được đặt ra như một nguyên tắc hàng đầu.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng nguồn đóng góp từ thiện thực hiện theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền, hàng, phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm việc gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng của tổ chức, cá nhân quyên góp.

Trước hiện tượng một số cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp và làm từ thiện gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội thời gian vừa qua, ngày 6/9/2021, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Bất cứ ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo trong quyên góp từ thiện thì cần tố giác, và gửi cho cơ quan điều tra. Các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc kịp thời.

Cũng góp phần nhằm kịp thời chấn chỉnh việc nghệ sĩ làm từ thiện, mới đây Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo đã đưa ra Quy tắc trong công tác xã hội, trong đó yêu cầu nghệ sĩ có trách nhiệm: công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng. Đây là những yêu cầu đúng đắn và cần thiết của ngành chức năng trong bối cảnh hiện nay.

Việc các tổ chức, cá nhân, trong đó có những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện là rất đáng trân trọng. Với ảnh hưởng của mình, sự vào cuộc thông qua việc làm nhân văn, ý nghĩa của họ có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Chủ động minh bạch việc làm từ thiện chính là cách thức để các cá nhân nói trên thể hiện trách nhiệm và nhân cách của mình, đó là: biết tôn trọng, luôn có trách nhiệm với từng đồng tiền quyên góp của người hâm mộ, thể hiện bằng việc chi tiêu đúng người, đúng mục đích, kịp thời với người có hoàn cảnh khó khăn. Sự minh bạch cần minh chứng qua hành động cụ thể chứ không phải là lời nói suông. Niềm tin của công chúng sẽ được xây dựng từ những việc làm như vậy.

Việc quản lý, chi tiêu số tiền lớn là một công việc không hề đơn giản, thách thức càng lớn khi số tiền ấy đến từ rất nhiều nguồn, và mục đích là đóng góp để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nên công việc này đòi hỏi phải có quá trình khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, cần tính toán để cân đối và tìm ra hình thức, mức hỗ trợ phù hợp từng đối tượng sao cho hợp lý, hợp tình. Do đó người tổ chức chương trình, dự án thiện nguyện cần phải lường trước những yêu cầu đặt ra, tránh sự cẩu thả, tùy tiện, vì số tiền họ dùng để chi tiêu là tình cảm, sự tâm huyết của rất nhiều cá nhân. Không ít người tham gia quyên góp trong khi bản thân không hề dư dả, nhưng với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, họ vẫn sẵn sàng san sẻ phần của mình để giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Hiện nay, nhiều chương trình từ thiện do các cá nhân khởi xướng chủ yếu là dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên sự tin cậy chỉ có thể tồn tại lâu dài khi người nhận từ thiện thể hiện trách nhiệm của mình với người tham gia đóng góp qua sự minh bạch thái độ làm việc công khai và rõ ràng.

Để tránh những sự cố đáng tiếc liên quan hoạt động thiện nguyện, đã đến lúc các tổ chức, cá nhân tham gia cần phải tổ chức, thực hiện một cách chuyên nghiệp trên cơ sở pháp luật như phải có tài khoản riêng cho hoạt động từ thiện, công khai các khoản quyên góp, các địa chỉ hỗ trợ từ thiện, giá trị các khoản hỗ trợ với hóa đơn, chứng từ hợp pháp và hợp lý… Những hành vi lợi dụng, trục lợi từ thiện khi bị phát hiện cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong khi chờ đợi những ràng buộc, quy định chặt chẽ hơn về mặt pháp lý, việc làm tốt những vấn đề trên sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc để các hoạt động thiện nguyện tiếp tục lan tỏa và không ngừng phát huy hiệu quả.

THÀNH NAM / ND

Nguồn tin: https://huongsenviet.com/

Các tin tức khác:
  • ĐIỆN BIÊN ĐÔNG: NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRI ÂN CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN NĂM XƯA (25/04/2024 )
  • Kế hoạch Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá và thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn huyện huyện Điện Biên Đông (24/04/2024 )
  • Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Na Son, huyện Điện Biên Đông lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024-2029 (24/04/2024 )
  • Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Phình Giàng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp (24/04/2024 )
  • Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Pú Hồng lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029 (24/04/2024 )
  • Điện Biên Đông: Bàn giao dưa vào sử dụng tuyến đường giao thông Huổi Có –Cảnh Lay (23/04/2024 )
  • Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 (23/04/2024 )
  • Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Điện Biên Đông kiểm tra hoạt động nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách tại xã Háng Lìa, Tìa Dình. (23/04/2024 )
  • Lễ khởi công bếp ăn bán trú trường mầm non Xa dung (23/04/2024 )
  • Điện Biên Đông: Bàn giao phòng lớp học cho trường mầm non Nong U (22/04/2024 )
  • Trang:
    431-440 of 2098<  ...  39  40  41  42  43  44  45  46  47  48  ...  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang