Đòn bẩy giúp Điện Biên Đông xóa đói giảm nghèo
Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Điện Biên Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Chị Vàng Thị Dế, bản Suối Lư 4 (xã Keo Lôm) chăm sóc đàn bò được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a.
Năm 2012, 8 hộ dân bản Chóp Ly, xã Keo Lôm được UBND huyện Điện Biên Đông bố trí tái định cư tại bản Suối Lư 4 (xã Keo Lôm). Để giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, UBND huyện Điện Biên Đông đã hỗ trợ mỗi hộ dân một con bò sinh sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Sau 4 năm chăm sóc, đến nay, đàn bò đã phát triển lên 28 con, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Là 1 trong 8 hộ dân bản Suối Lư 4 được hỗ trợ bò năm 2012, ông Lầu A Thủ đã có 3 con bò làm vốn phát triển kinh tế. Ông Thủ cho biết: Năm 2012, chuyển từ bản Chóp Ly đến bản Suối Lư 4, không hộ nào chăn nuôi trâu bò, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm. Song, nhờ Nhà nước hỗ trợ 8 con bò (mỗi hộ 1 con) theo Nghị quyết 30a, dân bản đã cùng nhau chăn thả, chăm sóc nên đàn bò phát triển tốt. Một số hộ đã bán bò mua nông cụ như: Máy phay đất, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô phục vụ sản xuất hoặc mua sắm các đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Riêng gia đình tôi, năm 2014, đã bán 1 con bò được 15 triệu đồng để mua xe máy làm phương tiện đi lại và đóng tiền học cho con. Nhờ được hưởng lợi từ Nghị quyết 30a, đời sống của bà con tái định cư đã phần nào bớt khó khăn, vất vả hơn.
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 30a, một số chương trình, chính sách đã có sự phát triển mang tính đột phá, góp phần nâng cao đời sống người dân nghèo trên địa bàn, như: Chính sách hỗ trợ sản xuất; xuất khẩu lao động và hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Đến nay, Điện Biên Đông là huyện luôn đi đầu về số lượng người tham gia xuất khẩu lao động và là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg... Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới; 9/14 xã, thị trấn có đường ô tô đi lại được bốn mùa trong năm; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, bản được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân đã có chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Người dân giảm dần diện tích canh tác trên nương, tăng cường khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang để sản xuất lúa nước. Giai đoạn 2009 – 2015, huyện Điện Biên Đông đã khai hoang, phục hóa được gần 512ha ruộng bậc thang. Đối với chăn nuôi, người dân tập trung chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, trong đó chú trọng công tác chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Từ đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,65%/năm; thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng từ 2,8 triệu đồng/người/năm (cuối năm 2010) lên khoảng 4 triệu đồng/người/năm (cuối năm 2015). Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số như: Nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, dịch vụ y tế, giáo dục,... đã được giải quyết kịp thời: 2.644/2.644 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở cho theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg; trên 97% người dân nghèo được cấp thẻ BHYT...
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Để triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, huyện Điện Biên Đông đã khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến của người dân trong việc tổ chức thực hiện. Hàng năm, huyện tổ chức đánh giá mức độ hiệu quả của các chương trình, chính sách đã triển khai, từ đó, loại bỏ các chương trình kém hiệu quả. Điển hình như, năm 2009 - 2012, huyện tập trung hỗ trợ cho người dân giống cây ăn quả và giống gia cầm các loại. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai không hiệu quả, từ năm 2012 đến nay, UBND huyện đã loại bỏ 2 danh mục hỗ trợ này, thay vào đó là hỗ trợ trâu, bò, dê sinh sản và khuyến khích khai hoang ruộng bậc thang để sản xuất lúa nước giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó, huyện luôn quan tâm công tác duy tu, bảo bưỡng và quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt… Nhờ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao.
Năm 2016, phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Điện Biên Đông đang tiến hành rà soát, khảo sát nhu cầu của người dân để hỗ trợ giống dê sinh sản. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện Điện Biên Đông sẽ hoàn thành chương trình hỗ trợ giống dê sinh sản cho người nghèo trên địa bàn.
Nguồn tin: