Phía sau mỏ vàng “chết”

Thời gian đăng: 29/05/2019 10:02:34 AM

ĐBP - Mỏ vàng Háng Trợ có tổng diện tích khoảng 40ha, nằm trên một đỉnh núi không tên thuộc xã Phì Nhừ, huyện Ðiện Biên Ðông. Ðiểm mỏ được phát giác và manh nha các hoạt động khai thác từ năm 2005. Ðến năm 2010, Công ty Cổ phần công nghiệp MOLYBDEN chính thức được phê duyệt phương án khai thác vàng lộ thiên. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó Công ty này phá sản, bỏ trốn, để lại một khu mỏ “chết” và gây ra hàng loạt hệ lụy cho chính quyền, người dân địa phương. Kỳ 1: “Ngọn núi lửa” vẫn âm ỉ “cháy” Ðiểm mỏ Háng Trợ, có thời điểm được ví như “ngọn núi lửa” đang phun trào, với sức “nóng” hừng hực của những đoàn người tứ xứ đổ về tranh nhau đào xới, tìm kiếm vận may. Mâu thuẫn, xô xát, thậm chí dẫn đến đổ máu và các tệ nạn liên quan đến ma túy… diễn ra thường xuyên, khiến lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải rất vất vả trong việc quản lý. Sau nhiều năm, với nhiều nỗ lực, đến thời điểm hiện tại, các vấn đề xoay quanh điểm mỏ này đã “hạ nhiệt”, song nạn vàng phỉ và những hệ lụy từ nó vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn, mà âm ỉ “cháy” và có nguy cơ bùng phát mỗi khi mùa mưa bắt đầu…

 

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tại khu vực mỏ vàng Háng Trợ.

Sau nhiều khó khăn men theo con đường từ trung tâm xã Phì Nhừ dài hơn chục kilômét được ví như sợi chỉ vắt vẻo, quanh co trên những sườn núi, chúng tôi đã đặt chân tới điểm mỏ rộng chừng 40ha. Cả khu mỏ giờ nằm trong một thung lũng rộng với bộn bề đất, đá. Tại đây, những vết tích minh chứng cho việc khai thác vàng “chui” vẫn còn rất rõ nét: Hàng loạt cửa hầm hàm ếch sâu hoắm chằng chịt trên vách núi; những hố rộng đủ hình thù, là điểm trước đây được các phu vàng sử dụng để trú ngụ trong quá trình đào bới tìm vàng; xác đá phế phẩm sau khi đã tách, lọc vứt lổn nhổn… rồi lán trại, bát đũa và nhiều vật dụng cá nhân do các phu vàng vứt lại.

Trái ngược với hình ảnh hiện tại, theo lời kể của Thào A Tính, bản Phì Nhừ A - một trong những người đã từng rất tích cực khai thác vàng “chui”, thì chỉ cách đây vài năm, khu vực này rất nhộn nhịp. Có thời điểm cả bản, rồi nhiều bản trong xã, trong tỉnh cùng kéo nhau lên mỏ tìm vàng. Vì là khai thác “chui” bằng công cụ thô sơ, không được kiểm soát, lại không trang bị bảo hộ lao động nên khi gặp sự cố hết sức nguy hiểm. Bản thân Tính cũng gặp trường hợp bị nạn, dẫn đến mất mạng trong quá trình khai thác vàng. “Người chết, đánh nhau, gây đổ máu tôi đều chứng kiến. Rồi càng ngày vàng cũng ít đi và cạn dần. Khoản tiền bỏ ra để mua xăng xe chạy, cộng với công khai thác không đủ trang trải cuộc sống nên tôi và một số hộ cũng bỏ dần, quay về đi làm thuê” - Thào A Tính kể.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là nạn vàng phỉ đã chấm dứt hoàn toàn. Tại thời điểm chúng tôi đến, khi đi sâu vào trung tâm điểm mỏ, những chiếc xe máy là phương tiện người dân sử dụng để di chuyển trong quá trình khai thác vàng, vẫn xuất hiện rải rác; một số đồ ăn, nước uống được để lại cạnh xe… Theo nhận định của một đồng chí công an có mặt tại đây, thì “có thể phu vàng đã đi sâu vào các hang để tìm vàng. Cũng không loại trừ khả năng khi thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng, họ tìm cách lẩn trốn”.

Xác nhận về việc vẫn còn tình trạng khai thác vàng “chui” ở đây, anh Hạng A Lồng - cán bộ Công an huyện tăng cường tại xã Phì Nhừ cho biết: “Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo, song vẫn còn một bộ phận người dân bất chấp đến đây tìm vàng. Số này cũng không nhiều và chủ yếu đến để đào xới, nhặt nhạnh những viên đá cuội mà họ nghĩ rằng có vàng trong đó. Sau khi mang về, những viên đá này sẽ được nghiền ra và sử dụng thủy ngân để tách lấy vàng. Họ đến đây không cứ thời điểm nào, nhưng đông nhất là thời điểm này, khi mùa mưa đến và có dòng chảy. Thời điểm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố, như: sạt lở, lũ cuốn… Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi càng khó khăn hơn”.

“Cơn sốt” tìm vàng của dân sở tại có phần “hạ nhiệt”, thì thách thức mới lại tăng lên, khi những năm gần đây khu vực này lại xuất hiện thêm nhiều đối tượng ngoại tỉnh tìm đến. “Họ thường móc nối với một số người dân sở tại thông qua các mối quan hệ quen biết, họ hàng, làm ăn, rồi mang theo máy móc, nhân lực, tự ý đến khu vực mỏ dựng lán trại, với ý định khai thác vàng trái phép. Từ đó cũng nảy sinh một số mâu thuẫn, bức xúc trong dân, tiềm ẩn  nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực. Tuy nhiên, tất cả đều bị kiên quyết xử lý và trục xuất ra khỏi địa bàn” - ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ thông tin.

Theo thống kê của cơ quan công an, từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện, ngăn chặn 6 nhóm người tìm đến điểm mỏ với ý định, hành vi khai thác vàng trái phép; chủ yếu thuộc các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình… Phần lớn các trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện đều tìm nhiều chiêu trò để trốn tránh, trong đó có cả phương án mua chuộc.

Mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực ngăn chặn và ghi nhận trên thực tế chưa để xảy ra vụ việc nổi cộm nào liên quan đến tranh chấp trong quá trình khai thác vàng, song theo Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Ðiện Biên Ðông thì việc kéo dài những tồn tại nêu trên là không cần thiết, khi mà theo đánh giá của lực lượng chức năng thì trữ lượng vàng ở điểm mỏ Háng Trợ hiện nay đã không còn. Không chỉ là giải bài toán ổn định tình hình an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, mà đây còn là câu chuyện về sự lãng phí tài nguyên đất, các vấn đề về môi trường, dân sinh đằng sau đó…

Kỳ 2 : Âm ỉ đến bao giờ?!

Nguồn tin: Bài, ảnh: Hà Linh (Báo Điện Biên Phủ)

Các tin tức khác:
  • Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Pu Nhi lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp (25/04/2024 )
  • Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Phì Nhừ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2024-2029 (25/04/2024 )
  • Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn huyện (25/04/2024 )
  • Điện Biên Đông: Tuyên truyền, vận động Nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (25/04/2024 )
  • Đại hội MTTQVN thị trấn Điện Biên Đông khoá V, nhiệm kỳ 2024 – 2029 (25/04/2024 )
  • Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác phổ cập, xóa mù chữ tại huyện Điện Biên Đông (25/04/2024 )
  • Đại hội MTTQ xã Mường Luân khoá XII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 (25/04/2024 )
  • ĐIỆN BIÊN ĐÔNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN DQTV (25/04/2024 )
  • ĐIỆN BIÊN ĐÔNG: NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRI ÂN CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN NĂM XƯA (25/04/2024 )
  • Kế hoạch Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá và thi hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn huyện huyện Điện Biên Đông (24/04/2024 )
  • Trang:
    421-430 of 2096<  ...  38  39  40  41  42  43  44  45  46  47  ...  >
  • Số/Ký hiệu: 1184/KL-UBND
    Kết luận Thanh tra: Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Mường Luân, Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 47UBND -UBND-TTr
    Kết luận Thanh tra:Công tác quản lý, ngân sách xã đối với UBND xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
  • Số/Ký hiệu: 553/BC-UBND
    Kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC năm 2021
  • LIÊN KẾT WEBSITE
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập: Tổng lượt truy cập Trang