Tiềm năng phát triển cây lê ở xã Háng Lìa
Cây Lê vàng được đưa vào trồng với diện tích gần 2 ha tại xã Háng Lìa từ năm 2019. Đến nay toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch, với chất lượng quả tốt, năng suất cao. Đây hứa hẹn là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho rất nhiều gia đình của xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.
Trước đây được gia đình chị Giàng Thị Chía, Bản Trống Dình, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông chủ yếu trồng lúa, ngô nhưng cho năng suất, sản lượng thấp. Năm 2019, sau khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động và được Trung tâm khuyến nông Giống cây trồng vật nuôi tỉnh hỗ trợ về giống, vật tư, gia đình chị Chía quyết định chuyển đổi sang trồng hơn 400 gốc Lê vàng. Sau 5 năm trồng và chăm sóc, hơn 400 gốc Lê đều sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho thu hoạch với chất lượng quả tốt, quả to, ngọt, ít sâu bệnh. Chị Giàng Thị Chía - Bản Trống Dình, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông cho biết: Trước kia đất rất xấu, chỉ làm lúa nương cũng ko làm được. Đến Năm 2019, trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư trồng Lê. Trong quá trình trồng cũng được trung tâm hỗ trợ giống cây, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Đến năm nay năm thứ 5, quả cũng đã cho thu hoạch, quả ngon và ngọt ai cũng thích. Gia đình đã bán được 3 đến 4 tạ rồi. Tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm tìm đầu ra cho gia đình tôi, khi vườn cho thu hoạch quả ở những năm tiếp theo.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, mặc dù mới chỉ là mô hình, tuy nhiên nếu so sánh với các cây trồng khác thì cây Lê là cây manglại giá trị kinh tế cao, hiệu quả lớn góp phần xoá đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Cây Lê dễ trồng, chăm sóc, hàng năm chỉ cần làm cỏ, vun gốc, bón phân 2 - 3 lần. Mặt khác, lê ít bị sâu bệnh nên cũng không mất nhiều công chăm sóc.
Anh Vàng A Nếnh - Phó chủ tịch UBND xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông cho biết: Nhận thấy cây Lê phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chính quyền xã Háng Lìa xác định sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây Lê. Bên cạnh đó, xã cũng xác định để phát triển quả Lê thành hàng hóa, hướng tới phát triển thành sản phẩm OCOP tại địa phương, thì ngay từ bước đầu, chính quyền xã cần làm tốt việc quy hoạch vùng sản xuất, quản lý chất lượng giống cây trồng và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm./.
Nguồn tin: Lan Anh, Điện Biên Đông